Thời gian gần đây, mạng xã hội đang xôn xao về hoạt động của những sàn giao dịch nhị phân hoạt động theo mô hình đa cấp như Rosichi,Pocinex, Wefinex… sau loạt ảnh các hot girl đại diện thương hiệu ăn mặc sành điệu, check-in bên siêu xe và tự nhận là các chuyên gia tài chính.
Hiện tại, có khá nhiều sàn giao dịch tương tự đang hoạt động ở Việt Nam. Mỗi sàn lại đi kèm một nhóm người đẹp hùng hậu chuyên đi làm hình ảnh và lôi kéo người tham gia. Càng kéo được nhiều người chơi, hoa hồng nhóm này nhận được càng lớn.
Câu chuyện cửa miệng của các “chuyên gia tài chính” mới nổi này là: “Từ tay trắng dựng lên tài sản khổng lồ chỉ trong thời gian ngắn” hay “Trước đây mình chỉ là học sinh bình thường, sáng vẫn phải ngửa tay xin mẹ 10.000 đồng ăn sáng. Giờ đây mình có thể lo cả cho mẹ và mua được chung cư.” Thế nhưng khi người tham gia đầu tư tin lời và bị thua lỗ, nhóm này lại đổ cho “vận may” hoặc “thất bại là mẹ thành công”.
Những lần tư vấn đi lệnh, trade (giao dịch) không có căn cứ và có phần vô lý của các ‘chuyên gia’.
Tự xưng là các chuyên gia tài chính tầm cỡ, có thu nhập khủng nhờ tham gia sàn giao dịch nhị phân, trang cá nhân của những người này tràn ngập hình ảnh ăn chơi, khoe đồ hiệu và ảnh chụp màn hình lợi nhuận thay vì các bài đăng mang tính kiến thức, phân tích.
Cư dân mạng đã bức xúc trước sự lộng hành của nhóm hot girl tài chính bởi họ đã “giăng bẫy” những người thiếu kiến thức, bị thất nghiệp vì dịch Covid-19. Trong khi đó, nhóm hot girl vẫn cho rằng mình không vi phạm pháp luật. Một người còn lên tiếng thách thức: “Nếu có ai đó nói mình lừa đảo thì bằng chứng đâu, có cái gì chứng minh điều mình đang làm là lừa đảo không? Bất kỳ cá nhân nào nói từng bị mình lừa đảo thì hãy gọi họ ra đây và nói chuyện”.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi thẳng thắng với luật sư Nguyễn Thế Truyền để tìm hiểu những vấn đề pháp lý đằng sau câu chuyện này.
Luật Sư Nguyễn Thế Truyền Vest đen (người thứ 2 từ phải sang)
Bị phạt tiền hoặc án tù đến 10 năm
*Tôi chỉ môi giới, tìm người tham gia vào cờ bạc online (tôi được chia tiền khi người tham gia nạp tiền vào chơi) thì có vi phạm pháp luật ko?
Theo thông tin trên thì bạn đã cộng tác với một nhóm người tổ chức đánh bạc online dụ dỗ, lỗi kéo người khác tham gia để được chia hoa hồng khi người tham gia nạp tiền vào chơi.
Theo đó, Điều 322 Bộ luật hình sự quy định:
“1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
- b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
- c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;
- d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
- a) Có tính chất chuyên nghiệp;
- b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
- c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;
- d) Tái phạm nguy hiểm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Điều 17 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về đồng phạm:
“1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
- Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
- Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
- Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”
Như vậy, đối chiếu với các quy định trên thì hành vi môi giới đánh bạc của bạn là hành vi giúp sức cho những những người tổ chức đánh bạc, chính vì vậy bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội tổ chức đánh bạc” theo quy định tại Điều 322 nêu trên với vai trò là đồng phạm giúp sức.
Trong trường hợp nếu hành vi của bạn chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội tổ chức đánh bạc” thì bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 4 Điều 26 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình cụ thể như sau:
“4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau đây:
- a) Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép;
- b) Dùng nhà, chỗ ở của mình hoặc phương tiện, địa điểm khác để chứa bạc;
- c) Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép;
- d) Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.”
*Tôi tham gia vào công ty Đa Cấp và tìm kiếm thêm nhiều người cùng tham gia dưới tôi thì có vi phạm pháp luật ko?
Vì câu hỏi chưa rõ ràng về phương thức tìm kiếm người tham gia nên Luật Thiên Thanh xét 2 trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất, nếu Công ty Đa cấp của bạn đăng ký và hoạt động hợp pháp, việc bạn tìm kiếm thêm nhiều người cùng tham gia đơn thuần mà không thực hiện các hành vi bị cấm đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP:
- Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.
- Cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
- Tổ chức hội thảo, hội nghị, đào tạo về kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản.
- Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội, nghề nghiệp để khuyến khích, yêu cầu, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.
- Thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nơi doanh nghiệp chưa được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.
Thì hành vi của bạn không vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp bạn vì muốn tìm kiếm thêm nhiều người cùng tham gia mà thực hiện các hành vi bị cấm quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP trên thì hành vi của bạn là trái pháp luật và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo khoản 3 Điều 73 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, người tham gia bán hàng đa cấp có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài ra, người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi nêu trên còn có thể bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như:
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính đối với hành vi yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định hoặc phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
- Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đối với hành vi Cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về kế hoạch trả thưởng, quy tắc hoạt động, lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Hiện nay, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp cũng bị xử lý – theo Nghị định 40 đã làm rõ khái niệm này, nhằm mực đích sử lý những cá nhân, tổ chức đang sử dụng phương thức đa cấp để hủy động vốn tría phép, sử dụng mạng máy tính công nghệ để nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người khác.
Như vậy, người tham gia bán hàng đa cấp nếu có hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nói chung và hành vi lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia nói riêng có thể bị phạt tiền với mức xử phạt cao nhất là 20.000.000 đồng. Tùy vào tính chất, mức độ và quy mô số lượng người bị lôi kéo, dụ dỗ mà các đối tường vi phạm sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt tương ứng
Có thể xem xét xử lý hình sự theo điều Điều 217a BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Hoặc như thực tế hiện nay do các đối tượng đều sử dụng mạng internet và máy tính, thiết bị di động để thực hiện theo phương thức đa cấp nhằm mực đích chiếm đoạt tiền, tài sản của người khác thì các cơ quan chức năng đang xử lý theo hướng định tội danh tại điều 290 bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Có thể bị truy cứu hình sự nếu tham gia các sàn tiền ảo
*Tiền số hay cụ thể là Wefinex, Pocinex, Rosichi…tự tạo ra 1 đồng tiền số riêng và giao dịch với giá trị tương đương 23.000VNĐ có được pháp luật Việt Nam công nhận không?
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào điều chỉnh về vấn đề xem các loại tiền số như Bitcoin là một loại hàng hóa, một đối tượng để trao đổi mua bán.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tiền số, tiền ảo không phải là một loại tài sản, một loại tiền và cũng không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Tại Khoản 6 và 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 80/2016/NĐ-CP quy định:
“6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”.
Bên cạnh đó, Công văn 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 21/07/2017 gửi văn phòng chính phủ cũng khẳng định:
“Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung).”
Như vậy, Việt Nam không công nhận đồng tiền ảo là một phương tiện thanh toán. Việc phát hành, tàng trữ, cung ứng sử dụng chúng như một phương tiện thanh toán là không hợp pháp và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc tự tạo ra đồng tiền riêng xuất phát từ Việt Nam thì đều có dấu hiệu lừa đảo, vi phạm các quy định tại điều 290 về việc sử dụng mạng máy tính nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Bởi vậy, bạn nên có một cái nhìn tỉnh táo, thận trọng trước khi tham gia các nền tảng trực tuyến này.
Xin cám ơn Luật sư Nguyễn Thế Truyền (LS điều hành – Công ty luật hợp danh Thiên Thanh)
Hà nội: Phòng 302, tầng 3, 142 Lê Duẩn, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội
Hồ Chí Minh : Phòng 6.16, Rivergate Resident 153-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TPHCM
Hotline: 0439711961 / 0903217988
Website: http://luatthienthanh.vn/
Bài viết không có tính chất độc quyền, các quý báo có thể chia sẻ.