Quán cơm 0 đồng của “ông bà anh”
Những ngày Sài Gòn giãn cách cũng là thời gian ngoại Nguyễn Thị My (70 tuổi) cùng chồng Trần Văn Hồng (86 tuổi) nấu cơm chay 0 đồng để tặng bà con khó khăn. Công việc bắt đầu từ tờ mờ sáng kéo dài đến tận khuya, tuy mệt, vất vả nhưng lúc nào căn trọ nhỏ của vợ chồng ngoại My cũng đầy ắp tiếng cười.
Ngoại My cặm cụi làm đồ ăn chay để hỗ trợ người dân gặp khó khăn ở Sài Gòn
Sau khi thông tin của ngoại My được chia sẻ lên mạng xã hội, một số bạn trẻ đã tìm đến phụ ngoại My nấu cơm 0 đồng
“Mấy bữa có mỗi mình ngoại với cô Đẹp (người hàng xóm), ông thì khi nào khỏe mới phụ, nay được lên mạng gì đó, 2 cô này tới phụ sáng giờ, mừng quá trời”, nói đoạn, ngoại My nếm lại nồi tàu hủ kho, tấm tắc khen.
Khoảng 1 tuần nay, tiệm cơm chay 0 đồng của ngoại My bất ngờ đắt khách khi người dân lần lượt tìm đến nhận cơm. Người lấy 1 phần, người xin 2 hộp, có người đại diện cho cả xóm trọ nhận cả 10 phần để về chia nhau.
Ông Hồng chỉnh lại bàn ghế trước cửa nhà để phục vụ bà con đến nhận cơm
Số là mấy bữa trước, một người đi ngang thấy bàn cơm của ngoại My “ế khách” liền thắc mắc: “Cơm ông bà tặng ngon vậy mà sao lại ế, con thấy ngoài kia nhiều người tìm mua cơm không có”, thế là ngoại My nhờ vả để quán cơm 0 đồng được nhiều người biết đến hơn.
Chỉ trong vòng có mấy ngày, mọi người tìm đến quá trời khiến ngoại trở tay không kịp.
Các món chay đều do một tay ngoại My chế biến, ông Hồng vì sức khỏe yếu nên chỉ phụ vợ được một số việc lặt vặt
“Ban đầu ngoại chỉ nấu 50 phần rồi lên 100 phần, nay cả 150 phần mà vẫn không đủ, mọi người đến nhận cơm nhiều quá. Cơm ngoại nấu không sợ ế nữa rồi”, ngoại My hóm hỉnh nói.
3 năm trước, một mình ngoại My từ quận Ô Môn, TP. Cần Thơ lên Sài Gòn để chữa bệnh. Được người dân Sài Gòn hỗ trợ, ngoại bén duyên với mảnh đất đầy tình cảm này nên quyết định thuê mặt bằng để mở quán ăn chay, trước là phục vụ người có nhu cầu, sau là thấy ai nghèo khổ, ngoại tặng cơm miễn phí.
Hơn 50 năm nên duyên vợ chồng, 2 ông bà vẫn tình cảm mặn nồng như thuở ban đầu
Cô Đẹp (hàng xóm) cũng đến phụ ngoại My nấu cơm chay cho bà con
Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, quán cơm chay của ngoại My đóng cửa. Nhưng rồi vốn quen việc bếp núc, lại thấy nhiều người không có đủ cơm ăn, vợ chồng ngoại quyết định nấu cơm chay 0 đồng để tặng mọi người.
“Mỗi ngày ngoại ngủ có 3 tiếng hà, cực nhưng vui lắm, thấy mọi người ăn cơm ngon, ngoại mừng. Ngoại tuy già cứ khỏe re à, làm việc thiện mới sống lâu”, ngoại My hồ hởi nói.
“Làm việc thiện nên ngoại khỏe re hà”
Sau khi chuẩn bị xong các món rau củ, ngoại My nhờ cô Đẹp (hàng xóm) bưng ra trước cửa nhà, bắt đầu vào từng phần. Tuy là cơm 0 đồng nhưng các món rau củ được ngoại My chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Biết ngoại My làm việc thiện, hay giúp đỡ người khác nên mọi người xung quanh hay đem gạo, rau củ tới hỗ trợ.
Những hộp cơm cứ thế được ngoại My gửi đến mọi người
Ngoại kể: “Có thằng bé con khoảng 8 tuổi, hôm bữa nó cầm 2 trái bí xanh đem tới tặng ngoại, ngoại hỏi mẹ con bảo đem qua hay là con tự lấy. Ổng có chút xíu mà ngoan lắm, ngoại cũng mừng”.
Mặc dù làm công việc không tên, lại phải thức khuya dậy sớm, lọ mọ chuẩn bị từng thứ nhưng ngoại My không hề thấy vất vả. Trái lại, ngày nào cơm hết sớm, ngoại lại mừng vì mình làm thêm được một việc có ích.
Người dân xếp hàng đợi nhận cơm của ngoại My, ai nấy đều vui vẻ, cảm kích trước tấm lòng của vợ chồng già
Mới 10h sáng, trước số nhà 207 đường Nguyễn Văn Đậu, vài cô chú lao động phổ thông đã đứng xếp hàng đợi cơm của ngoại My. Cầm trên tay 2 hộp cơm nóng hổi, chú Nghĩa (lượm ve chai) mừng rỡ nói. “Mấy bữa nay chú đều qua đây nhận cơm của ngoại, cơm ngon mà nhiều nữa, có cơm ăn đỡ tốn tiền mua, mừng lắm”.
Chỉ trong phút chốc, người 1 hộp, người 2 phần, có người xin nhiều hơn để về chia cho các khu trọ lao động nghèo, 150 phần cơm của ngoại My hết sạch. Thấy nhiều người còn đến để nhận cơm, ngoại My nhanh nhẹn đi xào ít rau, kho thêm mớ tàu hủ để hỗ trợ.
Những người đến nhận cơm hầu hết là người lao động nghèo, thất nghiệp sau khi thành phố giãn cách xã hội
“Mấy bữa trước còn ế mà hổm rày người ta đến đông quá trời. Không ngờ lên mạng mà hiệu quả ghê”, ngoại My cười móm mém.
Thấy ngoại My tuổi đã cao, nhiều người khuyên ông bà nên về quê nghỉ ngơi, ngoại My quả quyết: “Ngoại còn khỏe lắm, giúp được người nào hay người đó, thời buổi này ai cũng khổ cả, làm mình thấy vui vẻ là được rồi”.
Tuy cơm chay nhưng ngoại My nấu đầy đủ các món, đảm bảo dinh dưỡng
Không chỉ riêng vợ chồng ngoại My mà rất nhiều các cô chú, anh chị, đội nhóm thiện nguyện khác, suốt hơn 4 tháng qua, từ khi Sài Gòn bùng phát dịch bệnh, họ vẫn luôn làm những công việc thầm lặng, góp nhặt một chút yêu thương để san sẻ với mọi người.
Nếu như không có những phần cơm, bánh mì, rau củ, gạo mắm… với giá 0 đồng, có lẽ nhiều người đã không thể nào trụ nổi.
Những hình ảnh ấm lòng giữa Sài Gòn trong mùa dịch
Sài Gòn lúc nào cũng vậy, dẫu cho gặp bao nhiêu khó khăn, thử thách, những người ở Sài Gòn vẫn luôn biết cách để bao bọc nhau.
THEO DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ