Tính đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc đang là nỗi sợ hàng đầu của người dân nước này. Tại các sân bay lớn, nhân viên an ninh và y tế đã đẩy mạnh công tác kiểm dịch, kiểm soát các cửa ngõ ra vào một cách chặt chẽ.
Vào tối ngày 22/1 vừa qua, trên mạng xã hội Weibo bất ngờ xuất hiện một tin tức khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Theo đó, một cặp vợ chồng ở sân bay Lộc Khẩu, Nam Kinh, Trung Quốc sau khi phát hiện con bị sốt đã bỏ rơi ở sân bay. Sau đó, hai vợ chồng vẫn thản nhiên lên máy bay. Hành vi này ngay lập tức nhận vô số sự phẫn nộ của cộng đồng mạng.
Tài khoản này đã chia sẻ rằng, một cặp bố mẹ đã dẫn hai đứa con đến sân bay chuẩn bị rời khỏi Nam Kinh đến Trường Sa. Trong đó có một đứa bé bị sốt, nhân viên hàng không đã kịp ngăn chặn và nói rằng bé không được lên máy bay. Thế nhưng phản ứng của bố mẹ lúc này là hỏi lại nhân viên: “Chúng tôi không có bệnh, chúng tôi vẫn có thể lên máy bay, hãy để con tôi lại”. Sau đó, bố mẹ đã cãi nhau với nhân viên tại cổng lên máy bay trong 3 tiếng đồng hồ. Họ không chịu rời đi và gây ra sự chậm trễ của chuyến bay. Cuối cùng, họ đã để lại hai đứa con ở sân bay cho các nhân viên ở sân bay chăm sóc và tự lên máy bay.
Ngay khi bài viết được đăng tải đã thu hút hơn 220.000 lượt chia sẻ. Ngoài ra còn có hơn 9000 lượt bình luận thể hiện sự phẫn nộ với cặp bố mẹ kia: “Họ cho rằng làm thế là đúng?”, “Có lẽ họ nghĩ rằng nhân viên sân bay sẽ chăm sóc tốt cho con họ, nếu đứa trẻ có mệnh hệ gì, họ ăn năn cũng không hết”, “Đây có phải là bố mẹ đứa trẻ không thế?”, “Ngay khi dịch bệnh xuất hiện thì sự xấu xí trong bản chất của con người đều bị phơi bày kể cả những người thân máu mủ”,…
Hiện tại, dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp. Dịch bệnh đã khiến 17 người tử vong, hơn 600 người nhiễm bệnh. Ngoài Trung Quốc, các nước lân cận như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Mỹ cũng đã xác nhận các ca nhiễm virus corona. Bệnh được cho là có thể lây truyền từ người sang người. Chuyên gia quốc tế đang lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch bệnh, tương tự như đại dịch Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) khiến hàng trăm người thiệt mạng vào năm 2002 – 2003.