Loạt dự án y khoa trên màn ảnh nhỏ xứ Hàn luôn có sức hút lạ kì, dù cho sở hữu tới 1001 thuật ngữ chuyên ngành gây khó hiểu trong mỗi tập phim phát sóng. Trong thời gian “giãn cách” toàn quốc để giảm thiểu tối đa sự lây nhiễm của dịch Covid-19, phim y khoa từ các nước trên thế giới tất yếu nhận được mối quan tâm lớn của khán giả, một phần để thỏa mãn sự tò mò với những tình huống xảy ra trong bệnh viện tới sự trùng hợp đến lạ kì như điều đã xảy ra với My Secret Terrius (Điệp Viên Terrius) hay Contagion (Bệnh Truyền Nhiễm).
Tuy nhiên, sự xúc động và khâm phục đối với những khoảnh khắc bác sĩ chiến đấu với tử thần để giành lại mạng sống cho các bệnh nhân, những giọt nước mắt khi rời khỏi phòng phẫu thuật với nụ cười trên môi chính là điều đã thu hút khán giả, tiêu biểu là loạt dự án y khoa đất Hàn.
1. Hospital Playlist: Siêu phẩm nhà tvN không thể bỏ qua đầu năm 2020
Là siêu phẩm tiếp theo của đạo diễn vàng Shin Won Ho mới ra lò, Hospital Playlist (Chuyện Đời Bác Sĩ) đã sớm thu về một lượng fan khủng trước sức hút của hội 5 bác sĩ cực phẩm tại bệnh viện Yul Je. Là dự án duy nhất khung giờ tối giữa tuần còn “sống sót” về mặt rating, Hospital Playlist hút khán giả từ những tình huống hết sức đời thường, xen lẫn là cuộc đấu tranh “sinh tử” của 5 giáo sư đến từ 5 khoa: nhi, ngoại tổng quát, phụ sản, thần kinh, tim mạch.
Hospital Playlist đang là dự án siêu hot nhà tvN hiện tại.
Tuy không có lượng kiến thức y khoa dày đặc như nhiều phim cùng thể loại khác, Hospital Playlist khắc họa sâu về mặt cảm xúc: nỗi lòng của người mẹ khi chứng kiến con đau đớn, tình cảm vợ chồng khi căn bệnh ung thư vú xuất hiện, vết sẹo trên bụng của một nữ sinh được bác sĩ để ý và tìm cách khắc phục,…
Mỗi khoảnh khắc trong Hospital Playlist đều đáng nhớ, mang một góc nhìn vừa y học, vừa cảm xúc và câu chuyện thực tế chân thực xảy ra mỗi ngày, trở thành bức tranh toàn cảnh tại một bệnh viện lớn của các bác sĩ, y tá, điều dưỡng hay bất cứ ai bước chân tới bệnh viện Yul Jae.
Mỗi vị giáo sư của Hospital Playlist đều có sức hút riêng.
Hospital Playlist tiếp tục được phát sóng vào 19h00 (giờ Việt Nam) thứ 5 hàng tuần trên kênh truyền hình tvN và Netflix với phụ đề tiếng Việt khoảng 1 tiếng sau đó.
2. Romantic Doctor: Teacher Kim: Hai mùa đều xếp hạng bom tấn y khoa đài SBS
Nhắc tới thể loại y khoa của truyền hình Hàn, hai mùa của Romantic Doctor: Teacher Kim (Người Thầy Y Đức) là cái tên không thể vắng bóng trong danh sách “must-watch”, thậm chí là xem đi xem lại không biết chán giữa khoảng thời gian nằm nhà này. Căng thẳng, giật gân hơn cả phim hình sự, Người Thầy Y Đức có 1001 ca bệnh cấp cứu thử thách các bác sĩ tại bệnh viện Doldam, sự thông minh và tài ba của dàn “thiên thần áo trắng” được dẫn dắt bởi sư phụ Kim huyền thoại.
Mùa 1 đã là siêu phẩm hạng xịn.
Tuy tràn ngập thuật ngữ y khoa, những góc quay cận cảnh việc phẫu thuật như một bộ phim tài liệu dành cho y học đích thực, Người Thầy Y Đức không hề nhàm chán lấy một phút với những bài học cuộc đời, những câu chuyện của các nhân vật trong phim tới âm mưu quyền lực từ phe phản diện được xen lẫn vô cùng khéo léo xuyên suốt 16 tập phim.
Mùa 2 với dàn cast non trẻ cũng ấn tượng không kém.
3. D-Day: Cuộc giải cứu y khoa sau trận động đất kinh hoàng tại Seoul
Không hẳn có “gốc gác” là thể loại y khoa, D-Day (Ranh Giới Mong Manh) được lấy trọng tâm vào đề tài thảm họa xoay quanh một đội y bác sĩ giải cứu tình trạng khẩn cấp. Bộ phim từng được công bố nhận mức đầu tư lên tới 7.4 tỉ won (khoảng 140.8 tỉ VNĐ) để sản xuất, là dự án được kì vọng lớn nhất trong nửa cuối năm 2015. D-Day cũng là phim truyền hình đầu tiên của màn ảnh nhỏ xứ Hàn xoay quanh đề tài thảm họa, khắc họa dư chấn sau trận động đất kinh hoàng đánh thẳng vào Seoul.
D-Day thu hút sự chú ý khi là phim thảm họa đầu tiên của màn ảnh nhỏ xứ Hàn ra mắt năm 2015.
D-Day bắt đầu với bác sĩ phẫu thuật Lee Hae Sung (Kim Young Kwang) bị thuyên chuyển từ một trong những bệnh viện tốt nhất tại Seoul tới nơi vô cùng tồi tàn, thậm chí là chẳng có cả phòng cấp cứu. Sau khi không tuân theo chỉ thị của giám đốc ở bệnh viện trước, cô nàng Jung Dol Mi (Jung So Min) – một bác sĩ nội trú khoa chỉnh hình từ Busan đã nhận nhiệm vụ di chuyển bệnh nhân lên Seoul. Dol Mi sau đó đã cố gắng tìm gặp ân nhân cứu mạng năm xưa – giáo sư Han Woo Jin (Ha Seok Jin), nay tình cờ làm việc tại nơi bệnh viện của Lee Hae Sung.
Tuy nhiên, một hố đen lớn đã xuất hiện giữa lòng Seoul kèm theo trận động đất kinh hoàng, dư chấn khiến mọi lối vào thành phố bị khóa, khiến đường dây điện thoại, điện và nước đều không còn hoạt động. Hae Sung và Dol Mi khi ấy đã cùng nhau tìm cách chữa trị các bệnh nhân còn tại bệnh viện lẫn nạn nhân của vụ động đất, nhưng thuốc men cũng sớm không đủ dùng trước tình hình nguy cấp này.
D-Day là bom tấn xen lẫn giữa chủ đề thảm họa và y khoa.
4. Life: Khắc họa góc tối nơi bệnh viện, mê không khí u ám nhất định nên xem
Life (Sự Sống) đón đầu màn tái xuất của “thần chết” Lee Dong Wook, cũng như đánh dấu lần đầu tiên nam diễn viên góp mặt trong một dự án y khoa trên màn ảnh nhỏ. Không giống với ba dự án phía trên, Life mang một chút u ám, tăm tối và tiêu cực hơn giữa trận chiến quyền lực tại bệnh viện. Xoay quanh vô vàn vấn đề tiêu cực có thể xảy ra: biển thủ viện trợ của chính phủ, bí ẩn đằng sau cái chết của phó giám đốc bệnh viện và thậm chí là việc che đậy cái chết của các bệnh nhân. Tuy nhiên, Life cần nhiều hơn là một khán giả chỉ ưa “drama”, khi bộ phim chân thực đến mức sát mức khô khan vì giống là một phim tài liệu hơn là phim truyền hình giải trí thông thường.
Dàn diễn viên chủ chốt của Life.
Life đáng sợ đến ám ảnh với sự dẫn dắt của nhiều gương mặt đình đám của truyền hình Hàn như Lee Dong Wook, Chun Ho Jin, Lee Kyu Hyung và cả Cho Seung Woo. Không đơn thuần là một bộ phim y khoa, Life còn đào sâu vào vấn đề “lợi nhuận” của bệnh viện – điều chỉ được nhắc tới qua trong Người Thầy Y Đức hay một số dự án nhỏ lẻ khác. Tuy nhiên, Life không chỉ xoay quanh mình sự tiêu cực, bộ phim vẫn mang đến cái nhìn chân thật về thực tế: giữa biển người xấu vẫn có những y bác sĩ đấu tranh hết lòng vì sự sống của bệnh nhân.
Lee Dong Wook hóa thân vào bác sĩ nhiệt huyết trong Life.
5. Doctor John: Lĩnh vực y học chưa từng được nhắc đến trên màn ảnh
Ra mắt dịp cuối năm 2019, Doctor John (Bác Sĩ Yohan) ngay lập tức sở hữu lượng fan cứng nhờ sự góp mặt của “ông hoàng diễn xuất” Ji Sung bên cạnh nữ diễn viên trẻ tài năng Lee Se Young trên sóng SBS. Dựa trên tiểu thuyết Kami no Te của nhà văn Yo Kusakabe, Doctor John xoay quanh bác sĩ Cha Yo Han (Ji Sung) – thuộc bộ phận hiếm khi được lấy trọng tâm trên màn ảnh Hàn: bác sĩ gây mê. Cha Yo Han là một người “khó chiều”, nhưng anh là thiên tài ở công việc của mình.
Trong khi đó, Kang Shi Young (Lee Se Young) là một bác sĩ nội trú làm cùng Yo Han, ấm áp, thân thiện và luôn lắng nghe các bệnh nhân của mình. Với các cơn đau bí ẩn của vô vàn bệnh nhân đến bệnh viện tìm cách chữa trị, Cha Yo Han và Kang Shi Young cố gắng tìm ra căn nguyên gây ra những cơn đau, mang tới sự đồng cảm ngoài mong đợi với các khán giả.
Doctor John là màn tái xuất y khoa vô cùng thành công của Ji Sung.