Sau thành công từ bom tấn chiếu rạp năm 2017, thương hiệu giật gân học đường đình đám Bad Genius (hay Thiên Tài Bất Hảo) đã chính thức trở lại dưới hình hài series dài tập công phá màn ảnh nhỏ.
Vẫn là những kế sách “tiền trao cháo múc” giữa thiên tài toán học Lin (Juné Plearnpichaya) và hội con nhà giàu thế nhưng Thiên Tài Bất Hảo bản truyền hình đã xóa tan mọi định kiến về “sản phẩm ăn theo”.
Ekip đã mang đến một tựa phim được đầu tư chất xám thật sự, thể hiện sự sáng tạo vô đối trên một kịch bản có sẵn vốn tưởng chừng như không thể hay hơn được nữa.
Poster chính thức của Bad Genius bản truyền hình.
Trường học là xã hội thu nhỏ: Nơi đồng tiền, thành tích là thứ quyết định
Thế giới của Thiên Tài Bất Hảo 2020 tồn đọng nhiều vấn đề nhức nhối xoay quanh mảng giáo dục với điểm số được sử dụng như một thước đo định đoạt sự tồn tại lớn hay nhỏ của từng học sinh đối với nhà trường.
Không chỉ có những ai cá biệt mới bị đối xử thậm tệ, mà qua nhân vật chính Lin, khán giả còn có cơ hội khai phá thêm một khía cạnh mới về áp lực của một thần đồng.
Ở đoạn đầu tập 1, khi Lin đang thi đấu ghép chữ, những giáo viên giám sát đều bàn tán, xem cô không khác gì “cỗ máy chiến đấu”. Phía giáo viên cứ luôn ám ảnh với những cuộc thi cấp quận, cấp thành, khiến những học sinh ưu tú vô tình bị đẩy lên làm “đầu tàu” dù họ không hề mong muốn, để rồi chính học bổng với vẻ ngoài hấp dẫn là mồi nhử khiến Lin, Bank và hàng triệu học sinh giỏi khác rơi vào chiến trường “ngòi bút” nảy lửa.
Nền điện ảnh Thái Lan đã và đang làm khá tốt việc vạch trần mặt tối của giáo dục, rằng áp lực thi cử, điểm số và thứ hạng dễ đẩy đưa những đầu óc non nớt vào địa ngục tăm tối. Tại sao phải dùng điểm số làm điều kiện để Grace (Sawanya Paisarnpayak) tham gia đội kịch?
Tại sao nhiều bậc phụ huynh như bố Pat (Ice Paris) lại lấy những số điểm cao ra làm thử thách để thưởng xe, thưởng quà cho con?
Tại sao nhà trường lại vẽ ra bức tranh tươi đẹp hão huyền với nào là học bổng, nào là miễn giảm học phí để dẫn dụ những thành phần xuất sắc vào trường, nhưng đằng sau đó là những áp lực vô hình khác đè nặng lên đôi vai của phụ huynh, giống trường hợp của bố con Lin?
Người bố giấu mặt cũng gây ảnh hưởng lên cách nhìn đời của cậu con Pat.
Chính việc xã hội hóa môi trường học đường đã vô tình gây cho các em những cảm xúc tiêu cực, khiến các em dần đánh mất đi sự hồn nhiên, ham học hỏi vốn có trong mình, và đi đến những quyết định xốc nổi như gian lận, quay cóp.
Thiên Tài Bất Hảo vừa lên án những hành vi vi phạm trong thi cử của học sinh và giáo viên, vừa phơi bày những sự thật nhức nhối về nền giáo dục thời đại mới. Nghe qua thì không khác gì lắm so với bản chiếu rạp năm 2017, nhưng dự án truyền hình lần này lại có lối đi đột phá hơn khi “cấp đất diễn” cho gần như toàn bộ những nhân vật xuất hiện, ai ai cũng có cho mình câu chuyện và tầm ảnh hưởng nhất định lên người khác.
Đất diễn chia đều cho dàn nhân vật chính lẫn phụ, có màu sắc hơn bản gốc
Nếu Thiên Tài Bất Hảo 2017 tập trung mô tả phi vụ “công phá” kì thi quốc tế của bộ tứ thần thánh cũng như toàn bộ quá trình chuẩn bị đầy vất vả và gian truân của họ, thì Thiên Tài Bất Hảo bản truyền hình 2020 cố tình giảm nhẹ “tí ti” yếu tố giật gân và thót tim, bù đắp vào đó là hơi thở chính kịch và tâm lý xã hội.
Nói đúng hơn, đây sẽ là sự kết hợp giữa chất u ám của The Gifted, bi kịch muôn trùng của Who Are You và “drama” học đường của Hormones.
Đầu tiên là nữ chính Lin, đây là nhân vật được chú ý và quan tâm nhất ngay từ khi phim “xuất kho” những bức ảnh đầu tiên. Việc mức độ giật gân bị giảm xuống một phần cũng do tạo hình và tính cách mà Juné Plearnpichaya thể hiện.
Cô nàng không gai góc hay lý trí như Aokbab Chutimon nhưng chắc chắn không thiếu tình tiết để phô diễn nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, biến Lin trở thành nút giao của nhiều tuyến nhân vật đáng chú ý khác.
Juné Plearnpichaya (trái) có nước đi chậm rãi nhưng chắc chắn hơn trong việc khai thác nội tâm nhân vật Lin.
Mặt khác, bạn có thể không thích Lin nhưng chắc chắn phải gật gù đồng ý với phiên bản Pat của Ice Paris hoàn toàn ăn đứt James Teeradon.
Nếu Pat của Bad Genius 2017 biết dùng tiền để mua lợi ích cho mình, thì Pat của Bad Genius 2020 còn hơn cả thế. Anh chàng không giỏi sách vở nhưng là kẻ khôn lỏi bậc nhất trong những khâu thao túng và thuyết phục bất kỳ ai.
Những lời Pat nói ra chưa bao giờ thừa mứa, trái lại đánh trực diện vào tâm trí mỗi con người, nhất là Lin, để có được thứ mình muốn từ người đó.
Một nhân vật khác cũng được biên kịch thêm thắt nhiều gia vị hơn để khiến khán giả đầu tư theo dõi là Bank (Jaonaay Jinjett Wattanasin). Thay vì xuất hiện ở giữa phim như 3 năm trước, lần này anh “mở màn” từ đầu với tư cách đối thủ của Lin.
Thế nhưng, câu chuyện gia cảnh của Bank cũng khiến nhiều người không khỏi xót xa. Nhà là tiệm giặt ủi, mẹ thì tuổi già thường xuyên đau lưng, Bank không phải không muốn vượt lên trên số phận, nhưng cái nghèo và sự mặc cảm chính là thứ đang cầm chân anh ở lì dưới mặt đất.
Không cần phải bị đánh đập nhừ tử ở bản điện ảnh, phim truyền hình lần này cung cấp cho Bank một nút thắt mới thú vị không kém, khiến câu chuyện “vụt mất học bổng” được thực tế và giàu cảm xúc hơn, cũng tạo cơ hội để xây dựng mối quan hệ giữa Bank và Lin thêm phần đậm đà.
Đặc biệt, vì là sản phẩm dài tập nên phần cốt truyện và bối cảnh cũng được nhân rộng lên nhiều lần, từ đó các diễn viên phụ cũng có thêm cơ hội để thể hiện mình và đa dạng hóa những nhánh câu chuyện đan xen nhau.
Thay đổi lớn nhất ở tập 1 đó là kết cục của thầy giáo xấu xa làm lộ đề thi cho nhóm học sinh phụ đạo, nhưng thay vì khiến người xem nhẹ lòng vì công lý được thực thi, việc ông là bố của cậu bé hằng ngày vẫn trò chuyện thân thiết cùng Lin đã khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm.
Vẫn là hệ thống giáo dục đáng bị lên án nhất, chính nó đã đưa đẩy giáo viên lẫn học sinh trong thế giới Thiên Tài Bất Hảo vào những công cuộc gian lận riêng, giao phó số phận bản thân cho trò may rủi để đoạt lấy lợi ích về tay.
Một người thầy xấu bụng mất việc, và đó cũng là nỗi khổ của một người cha.
Ngay cả cô hiệu trưởng trông cũng đáng sợ hơn bản chiếu rạp rất nhiều.
Mánh khóe 2017 xưa rồi, để cô Lin dạy bạn vài chiêu “quay cóp” mới lần này
Để làm dịu bớt không khí nặng nề mà bản truyền hình mang lại, ê-kíp Thiên Tài Bất Hảo 2020 đã rất dụng tâm “nặn óc” suy nghĩ những chiêu thức “quay bài” mới toanh, thậm chí thay thế luôn những mánh cũ quen thuộc. Trò sử dụng tay gõ đàn vốn không có tính ứng dụng thực tế đã được tinh tế loại bỏ trong một cảnh phim, sau đó thay bằng một cách thức “khủng” nhưng đơn giản hơn rất nhiều.
Cái hay của Bad Genius bản truyền hình đến từ việc dẫn dắt suy luận của khán giả vào lối mòn từ đầu, khiến ai xem cũng nghĩ rằng “chắc sẽ không có thay đổi gì đâu” thông qua dàn nhân vật cùng tên, bối cảnh y hệt, tình tiết thân quen. Thế nhưng ngay sau đó, một loạt thay đổi, bổ sung xuất hiện khiến bất kỳ ai khi xem cũng ngạc nhiên và thảng thốt, giống như một chuyến xe buýt theo lộ trình thường nhật nhàm chán bỗng rẽ ngang sang một khu hội chợ lung linh sắc màu, chắc chắn sẽ khiến cho những linh hồn bám bụi chán nản trở nên tỉnh táo.
Có sự thay đổi trong cách thức gian lận dựa trên góc độ đời thực để chiêm nghiệm và đánh giá, Thiên Tài Bất Hảo chắc chắn vẫn còn nhiều điều mới lạ ở phía trước, khiến nhiều fan không khỏi hồi hộp mong chờ phi vụ lừa đảo quốc tế hứa hẹn cũng sẽ gay cấn và đầy rẫy plot twist.
Lỡ xem bản chiếu rạp rồi, xem tiếp bản truyền hình có ổn không?
Bad Genius 2020 được làm trên tinh thần “người lạ thân quen”, vẽ thêm nhiều ý tưởng mới mẻ, cần thiết từ kịch bản cũ đã quá “chất” và hoành tráng, giống như một tán cây cổ thụ to lớn bỗng chốc vươn mình và đâm chồi nảy nở.
Nếu đã “lỡ yêu” Thiên Tài Bất Hảo ngoài rạp vào 3 năm trước, thì chắc chắn bạn cũng sẽ đắm chìm trong từng tập phim truyền hình lúc nào không hay.
Phần bối cảnh được chăm chút cầu kỳ và hút mắt.
Team giáo viên sẽ trổ tài “đấu trí” không thua kém gì phía học sinh.
Thiên Tài Bất Hảo bản truyền hình lên sóng 2 tập vào Thứ Hai & Thứ Ba hằng tuần trên WeTV.