Lưu ý: Bài viết KHÔNG tiết lộ bất kì tình tiết quan trọng nào của phim. Đọc thoải mái đi cả nhà!
Giống như Việt Nam, nền điện ảnh Thái Lan cũng có một năm thăng trầm do tình hình dịch bệnh. Thế nhưng, phòng vé của đất nước tươi đẹp này vẫn nỗ lực duy trì sự nhộn nhịp hết sức có thể, nhất là khi cuối năm đang đến gần.
Và sự xuất hiện của Đừng Gọi Anh Là Bố (tựa Anh: My God! Father) chính là cứu cánh và cũng là điểm sáng để kết thúc năm 2020.
Đừng Gọi Anh Là Bố quy tụ ba cái tên sáng giá từ ba nhà đài lớn bậc nhất Thái Lan, qua đó ưu tiên khai thác mối quan hệ cha con ruột thịt của hai nam chính.
Không còn các bóng hồng “chanh chua” hay hội LGBT “tim sắc tím”, dự án lần này trao gửi hết niềm tin vào tài nghệ của dàn sao nam gồm “nam thần dòng lakorn” Pope Thanawat cùng “thánh hài” Ter Chantavit, và thực tế đã thành công ngoài sức tưởng tượng.
Để vươn lên vị trí top 1 phòng vé quê nhà, Đừng Gọi Anh Là Bố đã tận dụng hết sự sáng tạo khi làm mới một bài học cuộc sống quen thuộc nhưng giữ nhịp phim ở mức đúng và đủ, từ đó vẫn truyền tải thành công chất hài riêng của dòng phim chiếu rạp Thái mà fan Việt vô cùng yêu thích trong nhiều năm qua.
Mượn chủ đề xuyên không để kể chuyện cha con, cười tẹt ga xong là “mưa nước mắt” ngay
Luôn đi đầu trong châu Á trong dòng phim rom-com hoặc thuần giải trí, nền điện ảnh Thái lần này còn điểm tô thêm chút màu sắc “du hành thời gian” mới lạ và hiệu quả.
Nói đúng hơn, Đừng Gọi Anh Là Bố kể về hành trình của nam chính Got (Pope Thanawat) quay về những năm cuối thập niên 90 để gặp gỡ bố mẹ mình sau khi anh bất tỉnh vì gặp tai nạn xe.
Nhờ “chiếc vé về tuổi thơ” này, Got mới được trải nghiệm thanh xuân cùng bố mình thời còn trẻ, sánh đôi bên ông để giải quyết “tám tỷ” biến cố dở khóc dở cười xung quanh, đồng thời có cơ hội gặp người mẹ vốn đã qua đời khi cậu còn nằm nôi.
Got bất tỉnh sau tai nạn và tìm thấy mình ở quá khứ xa xăm
Got vô tình trở thành bạn thân của bố Prem thời còn trai tráng
Mượn đề tài xuyên không tưởng chừng là thế mạnh của Hoa ngữ, Đừng Gọi Anh Là Bố điểm tô nhiều màu sắc cho một thông điệp vốn đã quá quen thuộc và được xào đi, nấu lại vô số lần – tình cảm gia đình. Got trở về năm 1998, vô tình gặp gỡ và trở thành bạn chí cốt của bố Prem (Ter Chantavit).
Đây là một cách thể hiện khôn ngoan, tinh tế và độc đáo lời khuyên “bố mẹ và con cái nên là bạn bè để dễ hiểu nhau hơn”, nhờ tiếp cận với phiên bản “đồng trang lứa” của bố mà Got dần hiểu được tâm tình, tính cách của ông, và quan trọng hơn hết là tình yêu vô bờ bến của ông dành cho cậu, điều mà một Got ở hiện tại chưa từng cảm nhận được.
Got cùng Prem trải qua nhiều thăng trầm của tuổi trẻ
Cơ hội có 1-0-2 này còn giúp Got gặp lại mẹ của mình?
Lòng thương con của Prem rất đặc biệt, nó không nghiêng hẳn về phía mùi mẫn hay gia trưởng. Prem là một kẻ bất cần, thất nghiệp, ngày ngày đi đây đi đó với chức danh bảo kê “giấy” nhưng luôn mang lý tưởng thiện lương.
Nhờ Got, khán giả sẽ thấy được ông bố già Prem của 2020 và chàng trai Prem của 1998 khác nhau về vẻ ngoài nhưng ẩn sau bên trong, Prem chưa từng thay đổi.
Thứ vẫn duy trì vẹn nguyên đó là tình cảm dạt dào vô điều kiện của anh dành cho con trai Got, chỉ là cuộc đời đã mài nhẵn trái tim Prem, dần biến anh thành con người khô cằn và lạc lõng. Suy cho cùng, Prem chỉ muốn Got không trở thành một “Prem thứ 2” và có tương lai tươi sáng hơn ông mà thôi.
Prem thật ra chưa bao giờ ngừng thương cậu con trai Got
Phim “song nam chủ” nhưng duyên hết cỡ, cặp nam chính tung hứng nhịp nhàng thôi rồi
Ở Đừng Gọi Anh Là Bố còn có sự liều lĩnh khi tập trung đào sâu mảng miếng hài hước từ hai nhân vật nam chính.
Không còn là “hội bóng” duyên hết cỡ như Tootsies hay những màn “oan gia ngõ hẹp” cuốn hết mức giống Friendzone, Đừng Gọi Anh Là Bố vẫn lôi cuốn với những cú tung hứng giữa cặp “bố con” Ter Chantavit – Pope Thanawat.
Nói thêm thì đây là hai cái tên đình đám, là hai “tâm bão” giúp đánh phim nào là thắng phim đó. Pope nổi tiếng là nam thần dòng “lakorn” (phim truyện giờ vàng Thái Lan) với siêu phẩm Ngược Dòng Thời Gian Để Yêu Em phá đảo rating.
Còn Ter Chantavit là “ông hoàng phòng vé” có không ít bom tấn từng “cá kiếm” siêu bộn ở Việt Nam như Xin Chào Người Lạ, ATM Lỗi Tình Yêu hay Tình Người Duyên Ma (với vai trò đạo diễn).
Vì vậy, người xem có thể hoàn toàn yên tâm với cái duyên của hai người đàn ông thẳng như ruột ngựa nhưng vẫn rất “mắm muối” và chẳng hề khô khan.
Hai cái tên bảo chứng phim Thái có màn kết hợp “tóe lửa”
Phim duy trì dồn dập yếu tố hài hước, thành công níu kéo khán giả từng phút
Phim còn nổi bật khi gieo miếng hài ở những chỗ khó đoán, tiểu tiết nhưng vô cùng tự nhiên
Hai nam chính đáng yêu vô cùng không có nghĩa các diễn viên còn lại của Đừng Gọi Anh Là Bố đều mờ nhạt. Trong đó phải kể đến nhan sắc và vai trò to lớn của mỹ nhân Sammy Cowell khi hóa thân thành bạn gái của Prem là Bew.
Cô đứng sau tình cha con của Got và Prem, giúp hai “chú ngựa hoang” thôi nổi loạn và hiểu ra giá trị của cuộc đời họ luôn phải có nhau trong đó.
Tuy hơi bị “ra rìa” nhưng mỗi lần Sammy tương tác với Pope hay Ter, cô đều mang đến cho người xem nhiều cảm xúc phức tạp. Nhân vật Bew này là một làn gió ngọt ngào, lãng mạn có thể làm nhũn tim cả những khán giả khó tính nhất.
Sammy Cowell vừa xinh lại thể hiện tròn trịa vai “cầu nối” của hai cha con nam chính
Ngoài ra, phim còn có màn góp vui của mỹ nam James Bhuripat ở một vai phụ nhưng ấn tượng sâu sắc vô cùng
Bối cảnh theo “xì-tai” Thái – Hoa gây sốt đến nổi da gà, thập niên 90 cũng đáo để lắm chứ
Cần chi phải trở về quá xa xôi những năm 70, 80, thập niên 90 được thể hiện qua Đừng Gọi Anh Là Bố cũng đẹp và “chất” chẳng thua kém gì.
Đặc biệt, dường như việc pha trộn những đường nét tinh túy của kiến trúc, màu sắc Thái Lan và Trung Hoa đang là “trend” khi từ phim đam mỹ nhà Nadao I Told Sunset About You cho đến dự án điện ảnh Đừng Gọi Anh Là Bố lần này, màu sắc khu Hoa kiều hiện lên rõ nét và bắt mắt.
Ngay cả lối ăn mặc của các nhân vật, âm nhạc và cách bày trí nhà cửa, gian phòng cũng rất lôi cuốn, dễ thấy nhất là những chiếc lồng đèn in chữ Hán được treo khắp nơi. Sự gần gũi, hào sảng của Thái Lan cộng hưởng với những tinh túy duy mỹ của Trung Hoa thì còn gì bằng nữa chứ!
Đừng Gọi Tôi Là Bố có nhiều màu sắc của Trung Hoa được thể hiện qua cách ăn mặc và kiến trúc
Đừng Gọi Anh Là Bố có thể sẽ khiến bạn hoang mang ở đoạn kết một khi Got quay trở lại thế giới thực, hay đôi khi “sượng trân” vì một số thiết kế bối cảnh rõ ràng là ở phim trường.
Ngoài ra, cốt truyện đã đánh đu giữa quá khứ và hiện tại thì chắc chắn không thể né được những thiếu sót hay lỗi logic, song điều khôn ngoan đó là ekip đã trộn lẫn đề tài mạo hiểm ấy với cái kết khá mờ ảo của mình, vô tình làm nên một sản phẩm tưởng nguy hiểm nhưng lại khá an toàn, tròn trịa và vẫn giải trí.
Khán giả Việt luôn có phần ưu ái riêng dành cho điện ảnh xứ chùa vàng nhưng nó hoàn toàn hợp lý, và Đừng Gọi Anh Là Bố chính là minh chứng mới nhất và rõ ràng nhất cho một món ăn tinh thần “tá lả” từ hài kịch, lãng mạn, hành động, giật gân đến hơi ấm gia đình, không xem thì phí lắm đấy!
Xem ngay trailer chính thức của Đừng Gọi Anh Là Bố
Đừng Gọi Anh Là Bố chính thức công chiếu ngày 13/11/2020.
Nguồn ảnh: Tổng hợp từ phim