Năm 2020 là năm nở rộ của làng phim truyền hình Hàn Quốc khi nhiều tác phẩm đã thu hút được sự chú ý từ phía khán giả.
Không chỉ gây ấn tượng nhờ dàn diễn viên chất lượng, độ đầu tư khủng cùng kịch bản thú vị, các bộ phim này còn mang đến một làn gió mới khi khai thác những khía cạnh độc đáo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kì vọng của phần đông khán giả thì nhiều vấn đề về nội dung trong phim vẫn không thể làm hài lòng những ‘thực khách khó tính’ một cách trọn vẹn.
Crash Landing On You (Hạ cánh nơi anh): lãng mạn hóa đất nước Triều Tiên
Trước khi phát sóng, Hạ cánh nơi anh đã không giành ngay được thiện cảm vì lấy bối cảnh là đất nước Triều Tiên. Một bộ phận khán giả cho rằng việc xây dựng câu chuyện tình giữa một anh lính Triều Tiên và một cô gái Bắc Hàn là không thực sự cần thiết.
Họ lo lắng rằng bộ phim sẽ phản ánh không đúng sự thật về Triều Tiên, nhất là khi đất nước này đang trong giai đoạn thử tên lửa.
Và đúng như dự đoán, ngay khi lên sóng, bộ phim đã bị Đảng Tự do Thiên Chúa giáo Hàn Quốc đệ đơn kiện đài tvN – đơn vị chịu trách nhiệm phát sóng Hạ cánh nơi anh, vì cho rằng bộ phim đang lãng mạn hóa hình tượng quân nhân và cuộc sống ở Triều Tiên.
Chưa dừng lại ở đó, trong phim, Triều Tiên được miêu tả là quốc gia kém phát triển, người dân phải sống khổ cực trong khi giới thượng lưu được hưởng thụ cuộc sống đầy đặc quyền. Điều đó đã dẫn đến xuất hiện nhiều bài bình luận trên trang Uriminzokkiri với nội dung tiêu cực như ‘lấy sự chia rẽ liên Triều làm đề tài giải trí’, gọi họ là ‘những kẻ bủn xỉn, rác rưởi không có lương tâm’.
Dẫu còn mang lại nhiều tranh cãi trong phim nhưng sức hút và thành công mà Crash Landing on You đem về là điều không thể phủ nhận. Đặc biệt, qua sự thể hiện của bộ đôi Hyun Bin – Son Ye Jin càng giúp phim khẳng định mình là đối thủ đáng gờm và hoàn toàn có thể xưng vương.
The World of the Married (Thế giới hôn nhân) – cảnh quay quá bạo lực
Khai thác đề tài là gia đình và người thứ ba, bộ phim Thế giới hôn nhân nhanh chóng thu hút người xem bởi nội dung gắn liền với đời thực. Đặc biệt, lối diễn chân thực, sống động của các nhân vật trong phim là điều được neizen đánh giá vô cùng cao.
Những điều đó đã đưa bộ phim lên một tầm cao mới và làm oanh tạc của màn ảnh xứ Hàn Quốc. Tuy nhiên, có khen thì cũng có chê. Một số tình tiết của bộ phim đã vô tình gây nên làn sóng tranh cãi trong dư luận.
Đầu tiên là phân cảnh Tae Oh (Park Hae Joon) đánh vợ cũ của mình ở cuối tập 6. Đây được đánh giá là những cảnh quay vô cùng đáng sợ và man rợn. Điều này đã tạo nên nhiều sự phẫn nộ vì lột tả quá chân thật về vấn nạn bạo lực gia đình.
Cơn sốt chưa kịp nguội thì sang đến tập 8, cảnh cô nhân viên quán bar có những cử chỉ quyến rũ nam phụ Jae Hyuk và gạ gẫm anh mua túi xách hàng hiệu đã vô tình đổ thêm dầu vào lửa.
Không dừng lại ở đó, nhiều khán giả chê trách biên kịch đã đi quá xa khi để con trai của Sun Woo (Kim Hee Ae) nhìn thấy cảnh bố mẹ ân ái sau khi ly hôn.
Những phân cảnh trên đã khiến tác phẩm thu về không ít bình luận tiêu cực. Thậm chí, Thế giới hôn nhân còn bị Ủy ban kiểm duyệt truyền hình Hàn Quốc tổ chức họp và tiến hành xử phạt những phân đoạn gây sốc vì lí do bộ phim đã đi ngược với tinh thần bình đẳng nam nữ.
Mystic Pop – up Bar (Quán rượu bí ẩn) – cố tình biến tấu nội dung truyện kinh điển
Với nội dung có phần hao hao bộ phim Hotel Del Luna (Khách sạn ma quái) nên Quán rượu bí ẩn cũng rất đáng được neizen đón chờ. Đặc biệt, sự trở lại của bà hoàng rating Hwang Jung Eum càng khiến sức nóng của bộ phim được tăng thêm. Tuy nhiên, bộ phim cũng vướng phải những hạt sạn vô lí làm cho không ít khán giả cảm thấy có thể chấp nhận được .
Trong diễn biến của tập 8, bà chủ Weol Ju (Hwang Jung Eum) cùng giám sát Gwi (Choi Won Young) và Han Kang Bae (Yook Sung Jae) tiếp tục tìm cách giải mộng cho vị khách tiếp theo của quán nhậu Ssanggab. Lần này, khách hàng của họ là một hồn ma cô gái trẻ từng là tác giả viết tiểu thuyết mạng 19+ , mất tại nhà vì bệnh tim.
Xuyên suốt tập 8 Mystic Pop-up Bar, bộ ba đã liên tục kết hợp với thần chết và thể hiện kịch bản ‘lắm twist’ Romeo và Juliet, khi giờ nàng Juliet trở thành… mẹ kế của Romeo – tức vợ của Montague. Điều này làm cho bộ phim mất đi giá trị vốn có của nó và trở thành một tác phẩm hài nhảm.
The King: Eternal Monarch (Quân vương bất diệt) – sai lệch lịch sử, đạo nhái
Dù có độ đầu tư khủng, quy tụ dàn diễn viên hàng đầu như Lee Min Ho, Kim Go Eun thì Quân vương bất diệt vẫn vấp phải những lỗi khiến người xem không thể chấp nhận được. Cụ thể, trong cảnh phim cuối tập 6, Lee Gon (Lee Min Ho) quay về Đại Hàn đế quốc, mặc Gongryongpo – áo choàng của hoàng đế thời Joseon, đội vương miện vàng, ngồi làm mẫu cho thuộc hạ vẽ chân dung.
Theo Wikitree, trong lịch sử, hoàng đế mặc Gongryongpo, đội mũ đen Ikseon-gwan. Còn vương miện mà Lee Gon đội được cho là từ triều đại Silla cổ đại. Trước sự tắc trách này, không ít khán giả đã chỉ trích đội ngũ làm phim thiếu kiến thức lịch sử nghiêm trọng.
Thậm chí, nhiều người còn so sánh bộ phim với các tác phẩm cổ trang khác như Bức họa vương quyền, Mặt trăng ôm mặt trời, Mây họa ánh trăng…khi những tác phẩm này đều tái hiện đúng trang phục của hoàng đế thời Joseon.
Mây họa ánh trăng đã tái hiện đúng trang phục của hoàng đế thời Joseon.
Không chỉ sai lệch lịch sử mà bộ phim còn vấp phải nghi án đạo nhái. Đó chính là hình ảnh cung điện hoàng gia của Đại Hàn đế quốc xuất hiện ở phần giới thiệu đầu mỗi tập phim.
Nhiều mọt phim đã tinh ý nhận ra hình ảnh cung điện thực chất là hình ảnh của ngôi chùa Todaiji ở Nhật Bản. Nhận ra sai sót này, êkip của Quân vương bất diệt ngay sau đó phải lên tiếng xin lỗi và chỉnh sửa hình ảnh.
Backstreet Rookie (Cửa hàng tiện lợi) – tình tiết phản cảm, phân biệt chủng tộc
Ngay khi tung poster và teaser, bộ phim Cửa hàng tiện lợi đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của cư dân mạng. Những hình ảnh trẻ trung, tươi sáng pha chút hài hước được thể hiện bởi bộ đôi Ji Chang Wook – Kim Yoo Jung lại càng khiến mọt phim được dịp đứng ngồi không yên.
Tuy nhiên, khi mới lên sóng, bộ phim lại nhận lại được sự thờ ơ của khán giả khi mang đến nhiều tình tiết không phù hợp.
Trước hết là cảnh nữ chính Jung Saet Byul (Kim Yoo Jung) đã có màn chủ động hôn môi nam chính Dae Hyun (Ji Chang Wook) – một người đàn ông hơn cô rất nhiều tuổi mới gặp lần đầu tiên. Lí do được cho là trước Dae Hyun, chưa từng có một ai bắt cô nàng phải bỏ thuốc.
Nụ hôn này diễn ra khi Seat Byul mới chỉ học cấp 3, có thể là đủ tuổi về mặt pháp luật, nhưng về bản chất hành động thì thực sự không phù hợp, nhất là khi cô ít tuổi hơn nam chính.
Chưa dừng lại ở đó, nàng thơ Backstreet Rookie còn khiến mọt phim mắt chữa a miệng chữ o khi tuyên bố ông chủ cửa hàng hãy xin lỗi bạn gái trước đi vì anh sẽ sớm phải lòng cô.
Thậm chí, cô nàng còn tức giận đấm nam chính chảy máu mũi đang nắm tay cô mà gọi tên bạn gái. Những hành động trên đã vô tình đẩy cô thành tiểu tam trá hình đang cố tình đập cướp hoa, nhất là trong thời buổi người thứ ba trỗi dậy mạnh mẽ.
Tranh cãi về Seat Byul chưa nguôi thì cảnh một nhóm nữ sinh cấp 3 đi hát karaoke lại vô tình thổi bùng ngọn lửa phẫn nộ trong cộng đồng mạng.
Góc máy hướng từ dưới lên và lia qua phần ngực trong khi các nhân vật nữ đang nhảy một bài gợi cảm và mặc váy ngắn gây nên bức xúc. Đây là vấn đề được cho là phản cảm và mang tính quấy rối đối với các nhân vật nữ này.
Ngoài việc phản cảm, một số khán giả quốc tế cho rằng bộ phim có tình tiết thể hiện sự phân biệt chủng tộc. Đó chính là hình tượng nhân vật họa sĩ truyện tranh 18+ đã được trang điểm sậm đi để tạo nên một làn da nâu cùng với việc kết hợp kiểu tóc tết đặc trưng của một ‘rastafarian’ – người theo tín ngưỡng Rasta ở Jamaica.
Dù cố tình hay hữu ý nhưng việc xây dựng ngoại hình nhân vật này trong bối cảnh nạn phân biệt chủng tộc đang leo thang thì không thể đem lại ánh nhìn tốt cho các fan Kbiz.
Psycho but it’s ok (Điên thì có sao) – nhiều phân cảnh mang tính chất quấy rối tình dục
Không thể phủ nhận được sơn sốt của nữ nhà văn Go Moon Young (Seo Ye Ji) trong Psycho but it’s ok vừa qua. Vừa xinh đẹp, vừa cá tính và vừa táo bạo đã giúp cô thu về một lượng fan khổng lồ.
Nhưng chính tạo hình nhân vật có tính độc đáo này vô tình trở thành con dao hai lưỡi khi chính nó lại khiến bộ phim phải nhận về không ít chỉ trích.
Trong tập 3 có cảnh nữ nhà văn Go Moon Young đột nhập vào phòng thay đồ bệnh viện và bắt gặp nam điều dưỡng Moon Kang Tae (Kim Soo Hyun) trong tình trạng cởi trần. Nhân vật nữ chính tỏ biểu cảm thích thú trước cơ bụng sáu múi của chàng trai, giơ tay định chạm vào thì bị anh ngăn cản, đẩy ra ngoài.
Tuy hành động trên có thể phản ánh được thái độ của phụ nữ khi đứng trước một người con trai đẹp nhưng ít nhiều đó cũng được đánh giá là hành vi không phù hợp.
Hay một cảnh quay khác là Moon Young đứng giữa hành lang bệnh viện và hỏi Kang Tae: ‘Anh muốn ngủ với tôi không’; ‘Tôi thấy anh hay cười với bệnh nhân, nhưng tại sao lạnh lùng với tôi như vậy? Ban đêm anh nồng nhiệt lắm mà’.
Cô kể rằng đêm hôm trước mơ thấy anh và diễn tả động tác ôm, miệng phát ra âm thanh rên rỉ gợi liên tưởng đến tình dục. Những lời nói của nữ nhà văn được cho là hành vi quấy rối tình dục và cực kì nhạy cảm.
Một tình tiết khác khiến nhiều người phải cất tiếng chê bai lố bịch là cuộc gặp bất ngờ giữa nhân vật Kwon Ki Do (Kwak Dong Yeon) – một bệnh nhân tại khoa tâm thần của bệnh viện và Moon Young.
Nhân vật này mắc chứng hưng cảm, có sở thích khoe thân và trong một lần, anh ta đã chạy đến chặn đầu xe của Moon Young, phanh áo khoác để lộ thân hình trần truồng. Không hốt hoảng, Moon Young tỏ vẻ thản nhiên khi chứng kiến cảnh tượng này và còn có lời nhận xét khá nhạy cảm về phần dưới của anh chàng.
Sau những thước phim trên, phần lớn cộng đồng mạng chỉ trích biên kịch Psycho but it’s ok lạm dụng quá nhiều chi tiết gợi dục để tạo tiếng cười một cách lố bịch và không mấy thiện cảm.
Mặc dù gây nhiều tranh cãi nhưng các tác phẩm nói trên ít nhiều ghi lại ấn tượng trong lòng khán giả. Hy vọng rằng, các nhà sản xuất phim sẽ rút kinh nghiệm, chú trọng nhiều hơn vào nội dung cũng như cách thể hiện để đem đến cho thực khách những món ăn tinh thần chất lượng nhất.