Peninsula (Bán Đảo) ra rạp với kì vọng sẽ nối tiếp thành công phần 1 – Train To Busan (Chuyến Tàu Sinh Tử), phá đảo phòng vé, hâm nóng lại nền điện ảnh Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung sau một thời gian trì trệ vì dịch bệnh.
Sau những suất chiếu sớm vừa qua, bên cạnh con số doanh thu ấn tượng mà chỉ tính ở riêng Việt Nam đã chạm mốc hơn 20 tỉ, bộ phim này nhận phải không ít nhận xét trái chiều xoay quanh chất lượng nội dung, kĩ xảo, diễn xuất.
Để có một cái nhìn khách quan hơn về phần 2 của siêu phẩm Train To Busan, hãy cùng so sánh Peninsula với chính “đàn anh” của mình để xem liệu bộ phim này có thừa hưởng và phát triển những lợi thế mà nó có sẵn từ trước hay không nhé.
Trailer Peninsula
(Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim, cân nhắc trước khi đọc!)
1. Về nội dung – hướng khai thác khác nhau cũng không thể bao biện cho sự cẩu thả, hời hợt
Nếu như Train To Busan là bộ phim kinh dị có hướng khai thác thiên về tâm lý, tình cảm hơn thì Peninsula lại lựa chọn cho mình con đường hành động, kịch tính với hàng loạt phân cảnh đua xe, đánh đấm, bắn tỉa không thua gì những bom tấn Hollywood.
Tuy nhiên, sự khác biệt này cũng không thể bù đắp cho một sự thật rằng, Peninsula sở hữu cốt truyện cẩu thả và hời hợt. Diễn biến phim dễ đoán đến mức có thể nhận ra cái kết sẽ được phát triển như thế nào chỉ từ 15 phút đầu tiên.
Các nhân vật từ chính diện đến phản diện đa phần không có chiều sâu tâm lý, những chuyển biến cho thấy sự trưởng thành của nhân vật cũng được thể hiện một cách hời hợt.
Vì thế nên khán giả chẳng cảm thấy thuyết phục và ấn tượng với việc Jung Seok (Kang Dong Won) cuối cùng cũng quyết tâm chiến đấu đến cùng hay sự thức tỉnh khát khao sống của Min Jung (Lee Jung Hyun) bằng sự ra đi của người bố từng mải mê công việc mà quên mất con mình Seok Woo do Gong Yoo thể hiện trước đó.
Đây hẳn là một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất của Train To Busan.
Peninsula vì tập trung khai thác các phân cảnh hành động mà quên mất đầu tư chiều sâu cho nội dung.
Một trong những điều khiến Peninsula không thể sánh bằng Train To Busan chính là sự thất bại trong việc xây dựng tuyến nhân vật phản diện. Zombie thì luôn hung hăng, ghê tởm, nhưng mức độ kinh dị của nó chỉ có thể dừng lại ở những màn jumpscare gây hết thoáng chốc rồi thôi.
Nhớ lại trước đây, Train To Busan từng khiến người xem run sợ, lo lắng và thậm chí phẫn nộ bởi một con người, một lão già ích kỉ, ham sống sợ chết – Yong Suk (Kim Eui Sung). Đảm nhiệm vai trò tương tự trong Peninsula, nhân vật “sếp” lại chỉ giống một phiên bản lỗi vì chỉ xuất hiện vài phút rồi cũng lên đường ra đi bởi vài phát súng.
Có lẽ, biên kịch của bộ phim lần này đã quyết định “rút vốn đầu tư” kịch bản vì mải mê với những màn đua xe, bắn giết nhau mất rồi.
So với zombie, nhân vật này hẳn để lại nỗi ám ảnh lơn hơn hẳn.
Một tên “sếp” lỗi thế này chẳng đủ nặng đô để khán giả phải để tâm.
2. Về diễn xuất – Điểm sáng lớn nhất của cả hai phần phim là sở hữu dàn diễn viên vô cùng chất lượng
Sự thành công của Train To Busan ngày nào phần lớn nhờ vào dàn diễn viên vô cùng chất lượng, đã hóa thân xuất sắc vào những nhân vật mà họ đảm nhận.
Những nhân vật do Gong Yoo, Ma Dong Suk, Ahn So Hee hay thậm chí là Kim Eui Sung đã trở thành những biểu tượng mà khán giả nhớ rất rõ, ấn tượng rất mạnh khi nhắc đến cái tên của bộ phim.
Đối với Peninsula, dàn cast của phần phim này cũng quy tụ những cái tên lớn với thực lực diễn xuất đã được công nhận như Kang Dong Won hay Lee Jung Hyun. Chúng ta có thể thấy được sự xuất sắc của họ, đặc biệt là Kang Dong Won trong những giây phút câm lặng, anh bày tỏ sự đau đớn, xúc động hay lo lắng bằng ánh mắt của mình.
Cho đến nay, hình tượng nhân vật của Ma Dong Suk trong Train To Busan vẫn được xem là “ông chồng quốc dân”.
Thế nhưng vì sao Kang Dong Won hay Lee Jung Hyun lại không thể để lại ấn tượng mạnh mẽ, khiến người xem điên đảo như những diễn viên của phần phim trước đó. Hẳn đó là lỗi của kịch bản.
Ở phần 1, ta cũng thấy những cuộc đấu tranh đẫm máu để sinh tồn, nhưng khoảnh khắc khiến khán giả nhớ nhất lại là khoảnh khắc các nhân vật hi sinh để bảo vệ sự sống của người họ thương yêu.
Còn ở phần 2, nhân vật như những cỗ máy chiến đấu với sức mạnh vượt ngoài sức tưởng tượng và đôi khi thì nhỏ vài giọt nước mắt thương cảm chẳng đủ khơi gợi sự đồng cảm trong lòng người xem. Vì vậy, dư âm còn lại cũng chẳng mạnh mẽ là bao.
Kang Dong Won để lại không ít khoảnh khắc xuất thần nhưng vẫn chưa đủ.
3. Kĩ xảo, âm thanh – Điều duy nhất mà Peninsula nên tự hào
Theo thông tin được người trong ngành đưa tin, Peninsula có tổng kinh phí sản xuất chạm tới con số 16 triệu USD (khoảng 370 tỉ VNĐ), gần như gấp đôi so với kinh phí thực hiện Train To Busan 4 năm về trước. Số tiền này được đầu tư nhiều vào bối cảnh hoang tàn, trang phục, đặc biệt là kĩ xảo dành cho các phân cảnh hành động, cháy nổ vô cùng hoành tráng của bộ phim.
Nếu để ý kĩ, Peninsula còn sử dụng các hiệu ứng âm thanh đậm chất phim Hollywood mà cụ thể mang hơi hướng những tác phẩm của Jordan Peele trong Get Out hay Us, tạo cảm giác rùng rợn, hồi hộp vô cùng hấp dẫn. Đây hẳn là một trong những điểm cộng lớn, vượt trội hơn hẳn so với “đàn anh” Train To Busan trước đó.
Peninsula sở hữu kĩ xảo hoành tráng đầy ấn tượng.
Peninsula ra rạp ngày 24/07 trên toàn quốc.