Khởi đầu với Tầng Lớp Itaewon và mới nhất là Điên Thì Có Sao , làng phim Hàn nửa đầu năm 2020 tràn ngập những tựa phim khai thác đề tài bất ổn tâm lý, đặc biệt là chứng rối loạn nhân cách.
Những tựa phim này mang đến những góc nhìn mới mẻ về một nhóm người thường bị xã hội “xa lánh”, chứng minh rằng phim Hàn ngày càng không ngán sợ những chủ đề nặng đô.
Sự bùng nổ xu hướng làm phim khai thác đề tài bất ổn tâm lý
Đầu năm 2020, màn ảnh Hàn nhộn nhịp trước sự xuất hiện của “điên nữ” Yi Seo ( Kim Da Mi ) trong Itaewon Class (Tầng Lớp Itaewon). Cô nàng có khuynh hướng chống đối xã hội nên bất cần và có phần vô cảm này thổi một làn gió mới vào dòng chảy dịch chuyển hình tượng nữ chính trên màn ảnh nhỏ xứ Hàn.
Sau đó, Soul Mechanic (Kỹ Sư Tình Yêu) lên sóng, trở thành bộ phim Hàn đầu tiên khai thác sâu nghề bác sĩ tâm lý, đồng thời “nâng cấp” cho nữ chính Woo Joo ( Jung So Min ) đương đầu với cả “combo” rối loạn bùng phát gián đoạn và nghi ngờ rối loạn nhân cách ranh giới, đẩy độ “điên” lên một ngưỡng mới.
Yi Seo khai màn xu hướng “điên nữ” trong làng phim Hàn nửa đầu năm 2020, theo sau là Woo Joo.
Mới nhất, Seo Ye Ji tiếp bước Yi Seo hoá nữ chính Go Moon Young vô cảm do mắc chứng rối loạn nhân cách trong Psycho But It’s Okay (Điên Thì Có Sao) và tỏ ra “điên” hơn cả các “điên nữ” tiền nhiệm khi những ranh giới và chuẩn mực thông thường với cô đều vô nghĩa.
Ngoài ra, bộ phim còn đi sâu vào khai thác cuộc sống bệnh nhân bị tự kỉ và công việc của các điều dưỡng ở bệnh viện tâm thần, kết hợp với cách kể chuyện đậm màu kì bí đầy cuốn hút đang tạo nên cơn sốt trong cộng đồng yêu thích phim Hàn.
Điên nữ mới nhất đang khiến mọt phim Hàn phát cuồng những ngày này.
Những nhân vật bất bình thường như thế này không hiếm trong lịch sử phim Hàn, nhưng thường sẽ đóng vai trò trung tâm trong một phim điện ảnh – nơi thường ưu ái những chủ đề gai góc – hoặc may ra là phim truyền hình thể loại trinh thám hình sự chứ ít khi nào dẫn dắt cả một bộ phim hướng đến khán giả đại chúng.
Phù hợp với xu hướng vấn đề tâm lý và bản sắc cá nhân ngày càng được chú trọng
Vấn đề tâm lý con người rõ ràng đã trở thành chủ đề nóng trong làng phim truyền hình Hàn nửa đầu năm 2020 khi “bệnh tâm lý” và “bác sĩ tâm lý” xuất hiện dày đặc trong phim truyền hình Hàn nửa đầu năm, kể cả những phim không lấy trọng tâm là chủ đề này.
Sự phát triển thần tốc của mạng xã hội kéo theo áp lực định kiến xã hội, áp lực cơm áo gạo tiền trong một thế giới khắc nghiệt, một nỗi đau từ quá khứ, tất cả đều có thể là nguyên nhân khiến con người trở thành nạn nhân của bệnh tâm lý.
Rõ ràng bệnh tâm lý đã và đang là một vấn đề cấp thiết cần được quan tâm, và những bộ phim khai thác đề tài này một cách đúng đắn sẽ góp phần không nhỏ truyền đạt sự đồng cảm và hiểu biết đến khán giả đại chúng.
Xu hướng tôn trọng bản sắc cá nhân và phản ánh hiện thực cũng thúc đẩy việc các biên kịch hạn chế các mẫu hình hoàn hảo vốn nhan nhản trong phim Hàn trước đây, thay vào đó là các nhân vật chính được xây dựng có chút “lỗi” cho gần hơn với thực tế.
“Nghệ thuật vị nhân sinh”, nhiều người đằng sau màn ảnh đang hướng đến làm những tựa phim cho thấy sự khác biệt mà vẫn nhân văn. Những Yi Seo, Woo Joo hay Moon Young dù có khác thường nhưng bản chất vẫn tốt đẹp, và trong họ phản ánh cả một thực trạng con người trong xã hội hiện đại.
Xu hướng này còn có thể xuất phát từ việc phim truyền hình nhìn chung ngày càng mạnh dạn khai thác những chủ đề gai góc và đột phá hơn, hướng đến tiệm cận dần với điện ảnh.
Tạo không gian cho biên kịch thoải mái phóng tác, “quái” chút chẳng sao
Tiềm năng khai thác của các hình tượng bất ổn tâm lý là rất lớn bởi liên đới với bệnh của họ luôn là rất nhiều vấn đề trải dài từ quá khứ đến tương lai. Những nhân vật này là cơ hội để biên kịch thoải mái phác họa nhiều nét tính cách bất thường mà vẫn hợp lý.
Chỉ cần nhìn ba nữ chính của Tầng Lớp Itaewon, Soul Mechanic và Điên Thì Có Sao liền thấy cả ba đều hết sức “quái”, tính khí thất thường và lắm lúc có những hành động lệch chuẩn so với các nữ chính thường thấy. Những nhân vật thế này góp công lớn tạo nên sự độc đáo và sức hút bất ngờ cho bộ phim.
Nhân vật là công cụ thể hiện thông điệp của biên kịch. Trong mỗi sự bất thường đều có ý đồ nhất định. Yi Seo là đại diện cho một thế hệ Z có phần nổi loạn nhưng đầy chủ động và bản lĩnh, Woo Joo là tiêu biểu cho một cá nhân chịu nhiều áp lực và uất ức trên con đường khẳng định bản thân, Moon Young là người thành công nhưng cô độc và bất ổn.
Hay ở phía ngược lại, để một kẻ giết người làm nhân vật chính như Flower of Evil của Lee Jun Ki chính là lời cảnh báo về sự giả dối trong xã hội.
Hẳn nhiên, phóng tác quá tay luôn có nguy cơ gây ra phản ứng ngược, điển hình như số người khó chịu với Yi Seo e là cũng ngang với số người thích nhân vật này hay gần đây Moon Young của Seo Ye Ji cũng khiến một bộ phận thấy “gợn gợn” vì nhiều hành động vượt quá giới hạn của mình.
Tuy nhiên vẫn không thể phủ nhận chủ đề này khá “màu mỡ” và với khuynh hướng “theo trend” của các biên kịch xứ Hàn, không có gì ngạc nhiên nếu từ đây đến cuối năm tiếp tục xuất hiện một số bộ phim khai thác đề tài này.
Thử thách và cơ hội cho các diễn viên bùng nổ diễn xuất
Rõ ràng so với một mẫu hình bình thường, một hình tượng bất ổn tâm lý chắc chắn đòi hỏi khả năng diễn xuất ở tầm cao hơn. Kim Da Mi đã rất thành công với vai Jo Yi Seo và được tưởng thưởng bằng danh tiếng tăng vọt cùng những sự công nhận từ khán giả lẫn các giải thưởng.
Với Điên Thì Có Sao, Seo Ye Ji đang gây sốt khắp các mạng xã hội trong trong lẫn ngoài Hàn Quốc nhờ thần thái lạnh lùng cuốn hút. Họ là minh chứng cho việc nếu gặp được hình tượng độc đáo và kịch bản ổn áp, nói không ngoa rằng những vai “bất thường” như thế này trong không ít trường hợp sẽ giúp sự nghiệp diễn viên “lên hương” chỉ sau một phim.
Jung So Min cũng nhận nhiều ý kiến tích cực cho diễn xuất trong Soul Mechanic.
Đặc biệt Kim Da Mi khiến mạng xã hội “rần rần” vì quá ấn tượng.
Điên Thì Có Sao chấm dứt chuỗi ngày “có miếng mà không có tiếng” của Seo Ye Ji.