2 năm trước, gia đình Thu Hiền chốt mua một căn chung cư 2 phòng ngủ ở Hà Nội. Sau khi nhận nhà, vợ chồng cô không dọn vào ở ngay, mà đã đầu tư khoảng 100 triệu để thiết kế lại toàn bộ nội thất theo đúng nhu cầu và mong muốn.
Sau khi hoàn thành quá trình sửa nhà, Thu Hiền đã rút ra được khá nhiều kinh nghiệm bổ ích, một trong số đó là 5 đầu mục không nên tiếc tiền, càng không nên nghĩ tới việc sử dụng các phương án thay thế giá rẻ. Bởi đã dọn vào ở rồi, việc khắc phục, sửa sang lại 5 hạng mục này sẽ rất tốn kém và gây ra nhiều bất tiện.
5 thứ không nên tiết kiệm khi cải tạo chung cư, cụ thể là những gì nhỉ?
1 – Chất liệu sơn tường
Thử tưởng tượng đi, sau một vài năm dọn vào ở, tường “bỗng dưng” bị bẩn hoặc mốc, làm thế nào cũng không sạch lại được. Lúc này mà muốn sơn lại toàn bộ ngôi nhà, đầu tiên là tốn tiền (rõ ràng rồi), tiếp đó là tốn thời gian di chuyển, bọc phủ đồ đạc, cộng thêm cả thời gian chờ cho mùi sơn bay hết đi nữa. Nói chung là rất tốn kém và rất phiền.
Bởi thế, chất liệu sơn tường là thứ rất đáng đầu tư. Bạn có thể lựa chọn loại sơn dễ lau chùi vết bẩn, sơn có độ bền và độ giữ màu cao.
Nói chung, bạn nên ưu tiên chọn các thương hiệu sơn đã “có tiếng” trên thị trường để tổ ấm của mình bền đẹp trong vòng 10 năm sau khi sửa sang, dọn vào ở.
Chia sẻ của Thu Hiền
2 – Máy hút mùi
Nấu ăn 30 phút nhưng nửa ngày sau mùi thức ăn vẫn vảng vất khắp phòng khách, thậm chí bay cả vào phòng ngủ, đây chắc chắn là điều không ai muốn. Nhưng nếu không đầu tư một chiếc máy hút mùi tốt, chuyện đó là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra, đặc biệt là vào mùa nồm – khi bạn không thể mở cửa sổ để mùi thức ăn bay đi, vì chỉ cần hé cửa ra thôi là một lúc sau sàn đã ướt nhẹp rồi. Đặc sản mùa nồm xứ Bắc mà!
Chính bởi thế, đừng tiếc tiền cho 1 chiếc máy hút mùi công suất lớn!
Thu Hiền khuyên bạn nên chọn máy hút mùi công suất lớn ngay từ trước khi có bản vẽ thiết kế tủ bếp, vì thông thường, khu vực đặt máy hút mùi sẽ gắn liền với hệ tủ bếp bên trên
3 – Ghế sofa
“Không có cái gì tốt mà lại rẻ” chính là câu nói phù hợp nhất dành cho mặt hàng sofa. Sofa da đểu thì rẻ đấy nhưng dễ nổ. Sofa nỉ giá cũng “êm êm” nhưng lại khó vệ sinh, đặc biệt là với những gia đình có trẻ nhỏ hoặc những người có thói quen nằm vắt vẻo trên sofa vừa ăn, vừa uống, vừa xem phim.
Đầu tư sofa da xịn một chút là phương án về lâu về dài, vừa không lo da nổ, vừa dễ vệ sinh.
Sofa da xịn hơi đắt nhưng mà bền và dễ vệ sinh
4 – Chống thấm
Nhà mà dột là… hỏng rồi! Dù là nhà chung cư hay nhà đất thì việc đầu tư cho hệ thống chống thấm cũng là điều tuyệt đối không thể bỏ qua, đặc biệt là khi bạn ở những khu vực có mùa mưa hoặc mùa nồm.
Các vị trí có nguy cơ gây thấm dột cao đều phải được xử lý đúng quy trình và chủng loại ngay từ khi lên phương án cải tạo. Nếu không đếu khi tường mốc, nhà dột mới xử lý, có khi phải phá cả tường cả trần ra để làm đấy!
Chân tường, sàn nhà vệ sinh và trần nhà là 3 vị trí dễ bị thấm dột nhất theo chia sẻ của Thu Hiền
5 – Tủ bếp
Thu Hiền cho biết tủ bếp nhà cô được làm bằng gỗ thịt – loại gỗ có độ bền cao, có khả năng chịu lực lớn. Sở dĩ, tủ bếp là nơi đựng nhiều thiết bị và bát đũa, lựa chọn chất liệu giá rẻ có thể khiến tủ nhanh hỏng, vừa tốn tiền sửa lại vừa gây ra nhiều nguy hiểm trong quá trình nấu nướng, đứng bếp.
Tủ bếp chính là hạng mục cuối cùng trong danh sách 5 hạng mục “không nên tiếc tiền” khi sửa nhà
Hy vọng với những chia sẻ của Thu Hiền, bạn sẽ bỏ túi được những bí kíp, những kiến thức “tuy nhỏ mà có võ” để chuẩn bị cho hành trình xây dựng, cải tạo tổ ấm của mình.
(Ảnh: @coem.decor)