Mỗi căn nhà, ngoài công năng và tiện ích mà nó mang đến cho người sử dụng, còn chứa đựng cả những tình cảm mà gia chủ gửi gắm. Ngôi nhà ấy có thể là niềm mong mỏi đã lâu, cũng có thể là một khởi đầu mới, một hy vọng mới.
Tổ ấm của anh Tùng là một ngôi nhà trong khu đô thị Ecopark nên hai mặt tiền sân trước, sân sau đều rất nhiều cây xanh và ánh sáng tự nhiên, đây cũng là điểm cộng mà anh tận dụng khi thiết kế lại ngôi nhà. Tuy nhiên, vì nó là một căn hộ liền kề với diện tích 75m2, 60m2 xây dựng và 3,5 tầng nhà thô nên mọi công năng phân khu trong nhà đều không đúng với nhu cầu mà gia đình cần. Vì vậy, khi cải tạo lại, anh cần thay đổi rất nhiều, ví dụ như vị trí tiếp cận cầu thang, đảo lại vị trí phòng khách – bếp, xử lý các trục WC…
Mặt tiền ngôi nhà đem đến cảm giác rất trong trẻo, bình yên
Chuyển về nơi ở mới với anh và gia đình là bắt đầu cho một hy vọng về khởi đầu mới. Sau một vụ cháy xưởng ở công ty anh, tất cả gỗ và những sản phẩm trong xưởng đều mất hết. Và sau đám cháy, từ những mảnh gỗ còn sót lại, anh nảy ra ý tưởng tái sinh một cuộc đời mới cho những thanh gỗ còn dùng được. Những thanh gỗ của nhiều loại gỗ được anh lọc lại và xếp với nhau để tạo ra những hiệu ứng độc đáo. Toàn bộ nội thất bằng gỗ cũng được phá vỡ cấu trúc vân bằng cách đánh vẩy cá cho đồng màu.
Phong cách thiết kế của ngôi nhà được anh đề cao ở cảm xúc và tính bản địa. Hai yếu tố này thể hiện ở những viên gạch lót sàn ở cả ba tầng được nung thủ công và lên men tự nhiên để làm điểm nhấn. Thêm một lý do khác là do ở gần làng Bát Tràng nên anh muốn mang một chút gì đó của địa phương về tạo dấu ấn cho căn nhà.
Tiếp theo là vật liệu đất, toàn bộ các sàn phòng ngủ, cầu thang và tường trang trí đều được anh dùng đất thật để làm. Trong quá trình thi công thì xử lý đất cũng là phần khó nhất bởi đây là lần đầu tiên anh và người bạn họa sĩ ứng dụng nó vào việc làm sàn. Sàn không cần dùng quá nhiều đất nhưng lại không được trơn, hơn nữa phải lì và phẳng căng để luôn dễ vệ sinh, không ngậm nước và trên hết là bền bỉ, đủ độ cứng. Những mảng tường gạch nung, tường đất đều là những thứ được nung qua lửa đỏ trước khi có dáng hình hiện tại, ngầm thể hiện ngụ ý của người thiết kế về sự tái sinh.
Những mảnh gỗ cháy được tạo hình trở thành những món đồ đầy tính nghệ thuật
Những món đồ nội thất bằng gỗ độc đáo đã bị phá vỡ cấu trúc vân và đánh vẩy cá
Sàn, tường và cầu thang được làm hoàn toàn từ đất thật để tạo nên tính bản địa cho ngôi nhà
Không gian phòng khách – bếp có tông màu nâu trầm của gỗ nên tạo cảm giác rất ấm áp, gần gũi. Các món nội thất trong gian bếp như bát, đĩa, ghế, đồ trang trí đều được lấy cảm hứng từ hình ảnh cá chép. Cá chép, với ngụ ý “cá chép hóa rồng” thể hiện sự nỗ lực trong quá trình vượt qua thử thách phần nào gợi nhắc về những khó khăn mà anh đã trải qua, cùng với đó là cả thành quả đạt được.
Không gian bếp dành cho vợ và con gái là phần mà anh ưng ý nhất. Với anh, gian bếp không phải là nơi giam cầm phụ nữ như nhiều người đàn ông Việt vẫn nghĩ. Những người phụ nữ, họ luôn hướng ra thế giới bên ngoài và hoài bão mơ mộng về nhiều điều, trong đó có cả những ước muốn giản dị như mong chồng con về đúng giờ ăn cơm.
Không gian phòng khách đơn giản nhưng sang trọng, ấm cúng
Không gian bếp dành cho vợ và các con là phần mà anh tâm đắc nhất
Hình ảnh cá chép là cảm hứng cho nhiều món đồ nội thất trong nhà
Phòng tắm kết hợp phòng thay đồ cũng là không gian được đầu tư khá nhiều. Anh sử dụng gạch men và các vật liệu tự nhiên để tạo nên sàn betong mài, tường đất và kết hợp các vật liệu gỗ với nhựa thông minh để phòng luôn sạch sẽ, đồng thời giảm giá thành. Bồn tắm được đặt ở vị trí có thể đón ánh nắng tốt nhất. Vì vậy, các thành viên trong gia đình có thể tận hưởng cảm giác thư thái, dễ chịu khi vừa ngâm mình trong làn nước nóng, vừa ngắm nhìn những tia nắng cuối ngày xuyên qua khe cửa.
Ngôi nhà được anh hoàn thành trong vòng 2.5 tháng với tổng chi phí là 1,4 tỉ đồng. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là lúc trang trí cánh cửa, anh phải đục đi đục lại hình ba cô con gái, sau cùng, anh hình tượng hoá thành ba đứa bé cầm tay nhau để thể hiện được đầy đủ sự hồn nhiên, trong sáng như những thiên thần. Anh muốn mỗi ngày các con đi đâu về cũng sẽ nhìn thấy sự trong trẻo ở đó, để sau này dù có lớn lên và đi xa, các con luôn nhớ về cánh cửa, về ngôi nhà – nơi có ba mẹ luôn ngóng đợi.
Phòng tắm cực chill dành cho một ngày làm việc mệt mỏi
Phòng thay đồ được kết hợp một cách thông minh với phòng tắm
Hình ảnh ba cô con gái được anh khắc họa ở ngay cửa ra vào
Về lời khuyên dành cho những người còn đang băn khoăn trong quá trình thiết kế tổ ấm, anh Tùng nghĩ rằng mọi người hãy làm ngôi nhà của mình với sự hướng dẫn của kiến trúc sư chứ đừng cố bắt chước ngôi nhà của ai cả. Bởi lẽ bối cảnh, không gian khác nhau, chúng ta hãy cố gắng dùng những vật liệu bản địa quanh mình vì chỉ có những thứ đó mới bền vững và lột tả đúng văn hóa. Một ngày nào đó, xu thế sẽ mất đi nhưng văn hoá bản địa thì còn mãi với thời gian.
Nguồn: Nhân vật cung cấp