Vì bây giờ đã là những năm 2019, nên đừng ai nhảy dựng lên xua tay nói rằng “Ôi cái bọn ăn chơi, bar sàn này nọ hư người!”. Khái niệm đi bar hư hỏng đã cũ rỉ sét lắm rồi, đã tan biến từ khi cuộc sống của người trẻ ngập tràn trong vô vàn áp lực 4.0. Giữa cái guồng cuộc sống không một phút giây ngừng nghỉ, giữa 2 cái đô thị đông đúc, bon chen, ồn ào bậc nhất này, thì việc tự thưởng cho mình cách xả hơi đúng nghĩa, làm hết sức chơi hết mình, quả là điều đúng đắn.
Thấu hiểu tâm lý mệt mỏi vì áp lực kia, và khao khát có được những chốn giải trí xứng tầm giá trị, lẫn không gian tuyệt vời nhất, những người đi đầu trong việc kinh doanh 9life ở Việt Nam đã dần dần đưa Sài Gòn và Hà Nội vào một “guồng” chơi thật văn hoá. Họ, những người tiên phong đem những “vibes” mới lạ, hay ho, hấp dẫn đến với đám đông đang cảm thấy cuồng chân kinh khủng sau 22h mỗi ngày bằng câu hỏi “Tối nay đi đâu chơi bây giờ, đi đâu xả stress bây giờ?”.
Thị trường nightlife ở Việt Nam mới thực sự có những bước chuyển mình mạnh mẽ quãng 10 năm trở lại đây. Có rất nhiều cái tên hàng đầu trong ngành có thể kể ra ở đây, tôi biết, bạn biết, những người “hay đi chơi” biết. Ở Hà Nội thì có anh Nam đen hồi Toilet pub, the Bank này, anh Hải Bụi 1900 này, trong Sài Gòn thì không thể không nhắc tới Trần Nhân – hay còn gọi là Mr X.
Ở mỗi ngành nghề nào đấy, luôn có vài cái tên dạng influence, nhắc tới là người ta hiểu ngay họ đã có sức ảnh hưởng thế nào trong suốt quá trình dài cống hiến. Nhắc tới gã X này, và trong cái ngành 9life này, ta có thể hiểu nôm na rằng, cái tên của gã sẽ nói lên tất cả. Kiểu như chỉ cần nói “Biết anh Nhân không?”, thì trong cộng đồng ấy chắc chắn sẽ có nhiều sự thốt lên rằng “Nhân FUSE, Nhân XO, Nhân Xing Xing hả? Ai chả biết?”. Đấy, cái tên của gã gắn liền với các sản phẩm trong giới 9life suốt 10 năm qua, với sự cần mẫn phục vụ, mang đến cho giới trẻ những địa điểm vui chơi tuyệt vời nhất. Tự gã xây nên brand của riêng mình.
Tại sao lại gọi gã là Kẻ kinh doanh 9life một cách tử tế, giữa thị trường vốn chỉ quan tâm tới lợi nhuận khổng lồ? Chúng ta sẽ bắt đầu với những điểm mấu chốt quanh sở thích kỳ lạ của gã suốt 10 năm qua. Phải chơi, phải hiểu cuộc chơi thì mới tạo ra được cuộc chơi mới. Đó là cách Trần Nhân điều hành cái thế giới ăn chơi theo cách rất riêng.
Từ Fuse 2009, tới Xing Xing 2019 – 10 năm miệt mài đi chơi để hiểu những kẻ ‘ham vui’ cần gì
10 năm trong giới nào thì đèn màu, nhạc nhẽo, Dj, event…, không phải quá dài nhưng tuyệt đối chẳng phải ngắn. Và nó thực sự đã trở thành ký ức trong tuổi thanh xuân của nhiều cô cậu đấy. Hãy từ từ, nhớ lại cái ngày mà Fuse mở cửa ở Sài Gòn đi. Tôi cá rằng với những ai ưa thích sự sôi động, và tất cả những đứa muốn 1 lần sống hết mình với tuổi trẻ, nếu bạn ở độ tuổi đầu 9x, cuối 8x – thì chắc chắn đã ít nhất từng 1 lần lên Fuse rồi.
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên bước chân vào Sài Gòn hoa lệ năm 2009 ấy. Nói chứ, hoa lệ thực sự luôn. Sài Gòn khi ấy trong tôi và rất nhiều đứa 8x khác là một thế giới rực rỡ, lấp lánh khủng khiếp. Nhưng nó vẫn chưa đủ lấp lánh nếu như buổi tối cuối tuần, chưa đặt chân lên Fuse. Fuse là một club rất thành thị, rất thời thượng bậc nhất Sài thành vào cái năm 2009. Cái tên đại diện cho chốn ăn chơi trẻ trung và văn minh chứ không phải “vũ trường đèn mờ” cho dân bay lắc gái gú.
“Cả Sài Gòn trên Fuse tối nay”
Hôm ấy tôi đang ngồi giữa một quán cafe quận 1, đứa bạn cũng là hot girl có tiếng, đập vai tôi hào sảng nói: “Lên Fuse mày ơi”. Xung quanh các bàn khác cũng đang rủ nhau í ới, hỏi nhau đặt bàn chưa. Cuối tuần, là phải lên Fuse, vui như thế. Bạn tôi bảo “Cả Sài Gòn trên Fuse tối nay”.
Tôi cứ thắc mắc mãi, kẻ nào giỏi thế, kéo được cả giới trẻ Sài Gòn đổ về đó vui chơi, vui hết mình và quậy tới bến. Hồi đó thậm chí chẳng có cái tên nào được nhắc đến trừ Fuse. Và rồi khi theo bạn đặt chân lên cửa, tôi đã hiểu ngay rằng tại sao dân Sài Gòn lại mê nó tới vậy.
Fuse của năm 2009, hoàn toàn thổi luồng gió mới lạ vào phong cách giải trí của giới trẻ Sài Gòn khi ấy. Nơi mà cứ sau 22h thì trai xinh, gái đẹp xúng xính những bộ cánh thời trang nhất, thả mình vào một không gian phóng khoáng và chất chơi nhất. Chưa kể, chủ bar đã để DJ của quán trình diễn những “show diễn” trên stage của riêng họ theo từng cá tính riêng của DJ mà không gói gọn, bó buộc.
Chính vì thế, mỗi khi DJ bước lên cái stage của riêng họ, là ở dưới, người đi chơi – hay còn gọi là Khán giả, cứ phát cuồng lên, say đắm trong âm nhạc và thứ “vibe” mà không nơi nào khác ở chốn phồn hoa này mang lại được.
Lần lượt, Fuse 1 năm 2009, Fuse 2 vào năm 2014, XOXO và The Opera vào năm 2016, và bây giờ là Xing Xing của 2018-2019… Đã 10 năm, thế giới nightlife thay đổi khắc nghiệt theo từng tháng, từng năm chứ đừng nói tới con số quá khủng như 10 năm. Nhưng mặc kệ thời gian, cái gã dân chơi Trần Nhân đã tỏ ra tường tận đến mức biến thị trường thành một cuộc chơi riêng.
Từng sản phẩm với cái tên thì khác nhưng đều chung ở chỗ: Đều xuất phát từ cái đầu nhanh nhạy lạ thường và cái tâm muốn xây dựng một không gian tràn đầy âm nhạc, một văn hoá đi chơi đậm chất Sài Gòn để bất cứ vị khách nào đã từng ghé qua, đều nhớ mãi thứ “hương vị” đặc trưng này. Và đều phải thốt lên “Đúng chất Sài Gòn rồi!”.
Cái “chất” đi chơi kiểu Sài Thành, nói thế nào nhỉ. Nó phóng khoáng, vô tư, thoải mái hết sức. Nó cũng thừa sang chảnh, nhưng lại không hề cảnh vẻ, làm màu làm mè. Đã bước chân đi chơi, thì kể cả ngồi quầy bar gọi ly cocktail giữa một “rừng” bàn kêu Dom – một loại champain thượng hạng có giá từ 10 triệu/chai (giá niêm yết trên các quán bar bây giờ) cũng chẳng ai dòm ngó, soi mói và đánh giá cả. Dân chơi Sài Gòn không mấy quan tâm đến người khác, nhất là khi đang bận tận hưởng cuộc vui của mình.
10 năm kể từ khi xây dựng “Đế chế Fuse” phủ sóng toàn bộ giới trẻ Sài Thành, có biết bao nhiêu club, bar, pub, lounge khác nhan nhản nhưng Trần Nhân vẫn giữ được cái “hồn” cho những sản phẩm nightlife của mình có được sự độc đáo riêng. Khi Xing Xing ra đời vào năm 2018 – thời điểm bar đã bão hoà, pub nhiều tới mức nhạt nhoà và lougne thì nhiều như “lợn con” – thì đây vẫn là địa chỉ hàng đầu ở Sài Gòn, vẫn là một không gian mà các vị khách dù bảnh đến mấy, kén nhạc tới đâu cũng phải “bỏ hết sang chảnh” mà “quẩy” hết mình. Đây chính là cái giỏi của Nhân – gã dân chơi với hơn 10 năm miệt mài tự tạo ra sân chơi phục vụ giới trẻ.
Khách hàng của gã, kể cả từ thời Fuse gọi chai Vodka 3 lít pha nước cam, vỗ vai nhau “uống sấp mặt đi”, cho tới thời Xing Xing bây giờ “bắn” Dom sang chảnh, thì đều khoái cái sự kỳ công sắp đặt không gian, sự chiều chuộng về âm nhạc đến từ dàn DJ hàng đầu trong nước lẫn ở các bảng xếp hạng thế giới, mà họ biết có bàn tay phù thuỷ của gã đằng sau. Gã tâm sự rằng:
“Tôi muốn điền đầy vào cảm xúc của khách hàng, những người bước chân lên quán bar của tôi – bằng thứ âm nhạc và không khí tuyệt vời nhất, xứng đáng nhất với tuổi trẻ của họ”.
Trở thành ông trùm nightlife nhờ cái chất, và cái tâm
Ai cũng nghĩ rằng những ông chủ trong thị trường nightlife chỉ việc đổ tiền cho các sản phẩm quán bar, pub 1 tiền tỉ, thuê những người giỏi về để set up, quản lý mọi thứ. Hàng tuần, hàng tháng họ theo dõi doanh thu qua file drive google. Nhưng Nhân thì khác, trong 10 năm qua, bên cạnh các cổ đông xương máu, gã tự mày mò làm tất-cả-mọi-thứ, để xây dựng và bảo vệ những “đứa con” của mình.
Các nhân viên của gã không hiểu tại sao ông chủ của mình lại như một tay quản lý mẫn cán, ngồi lọ mọ design từng chiếc poster mỗi khi có event, tự liên hệ agency để đặt hàng dàn DJ nước ngoài chất chát phục vụ khách khó tính nhất, hay tỉ mẩn chỉnh từng dòng excel chi tiết công việc hàng ngày, thậm chí mó tay chỉnh từ cái đèn đến máy lạnh.
Mỗi tối cuối tuần, gã lên quán từ rất sớm, cái dáng nhỏ con cứ khoanh tay đứng quan sát bộ máy của mình vận hành từ nhân viên chạy bàn, nhân viên booking, bảo vệ, DJ… Cặp mắt gã lia đến từng góc nhỏ nhất, để đảm bảo rằng khách hàng của gã phải được hài lòng nhất. Thú thật, nhìn cái tác phong ấy, ai bảo gã là founder?
Nhưng mà đúng là như thế đấy, suốt 10 năm qua, làm chủ 4-5 địa điểm ăn chơi bậc nhất Sài Gòn và Hà Nội, gã vẫn cứ tự lọ mọ, cẩn thận, cầu toàn và đặt mọi cảm xúc vào công việc như thế.
Gã bảo, đơn giản thôi, thành công là làm được thứ mình thích và mình biết cách làm, gã tự nhận mình may mắn khi được đồng hành cùng hàng trăm nhân viên coi gã như 1 người anh, hơn là chỉ gọi tiếng “Sếp”.
Thật ra tôi nghĩ rằng, không thể phủ nhận nếu không có cái “máu chơi” trong người, Nhân sẽ chẳng thể tự xây brand cho mình giỏi đến vậy. Cái máu đi chơi, khiến gã hiểu cuộc chơi cần những gì, thiếu gì để đến khi bắt tay vào làm nghề thật sự thì nghiêm túc cho ra thành quả thật sự. Cái máu lửa với nghề, khiến gã không chùn chân suốt 10 năm với bao cơn bão ngành nightlife. Và cái máu khai phá, tìm tòi để tạo ra được xu hướng mới trong ngành dịch vụ, đưa những cái tên như Fuse, XOXO, The Opera, Xing Xing lên đầu bảng chứ không phải bất cứ một sản phẩm ăn theo nào khác. Cái áp lực phải “tạo ra cái mới” cứ hành hạ và thôi thúc gã hàng đêm.
Trong nghề, dân làm nightlife thường bảo rằng gã “quái” lắm, gã sẽ chơi khô máu với những kẻ phá hoại bởi kinh doanh nightlife phải nói là một trong những câu chuyện làm ăn khắc nghiệt nhất, nhiều chiêu trò và sự lật lọng nhất, do lợi nhuận nó đem lại cũng thuộc hàng đáng kể. Thật ra, con người Gã cực kỳ đơn giản, “xanh chín”. Những cú phá giá, chơi xấu, những cơn bão do đối thủ gây ra và hàng trăm chiêu trò khác cứ va đập vào con người gã thoải mái. Và gã sẽ sống thế này: rất tử tế với ai tử tế, và ngược lại.
Tôi nghĩ rằng, “quái” là một tố chất trong làm ăn mà bất cứ dân kinh doanh nào cũng đều sở hữu ít nhiều. Nhưng với Trần Nhân, điều khiến gã thành công suốt 10 năm qua, có lẽ bởi vì cái cách gã đứng khoanh tay trong góc và quan sát tỉ mẩn khách hàng đang bùng nổ thế nào trước không gian mà gã đã cất công mày mò, sắp đặt. Gã tự nhận rằng, mình là người sống theo cảm xúc. Cái “đế chế” nightlife của gã sẽ thất bại hoàn toàn nếu từng góc nhỏ của sản phẩm thiếu đi thứ cảm xúc phóng khoáng nhất.
Cái tên Trần Nhân có vẻ bén duyên với những thứ “đầu tiên”. Vào năm 2015, Fuse bar lọt top 100 nightclub trên bảng xếp hạng danh giá DJ Mag. Điều này đồng nghĩa với việc gã – là người đầu tiên đưa tên tuổi nightclub Việt Nam lên bản đồ thế giới. Với người trong giới nightlife, đó quả thực là chiếc cúp vô giá, một sự ghi nhận trên tất thảy những khó khăn vất vả mà gã và team Fuse miệt mài xây đắp.
Tất cả những ai yêu âm thanh ma lực giữa hàng ngàn raver vỡ oà của các kỳ đại nhạc hội đều không thể quên, Trần Nhân là người đầu tiên mang Festival về Việt Nam. Gã đặt tên cho series lễ hội âm nhạc là Future Now Music Festival – viết tắt FN, NF chính là cái tên Nhân Fuse “luẩn quẩn” đóng dấu brand cho mình. Xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2014, Future Now của gã đã thực sự chơi lớn, ghi dấu ấn không thể quên và là bước khởi đầu cho những lễ hội EDM mời các DJ, Producer nức tiếng thế giới về biểu diễn bên cạnh các nghệ sĩ, DJ hàng đầu Việt Nam. Đó là lần đầu tiên, giới trẻ Việt Nam biết đến cảm giác nổi da gà khi tận mắt chứng khiến huyền thoại Tiesto đứng trên stage chơi một set nhạc 90 phút, giữa quận 7 Sài Gòn chứ chẳng phải đâu xa.
Đưa lễ hội âm nhạc điện tử về Việt Nam trong khi chưa ai dám làm điều đó, ngay cả Trần Nhân cũng thừa nhận, không một festival nào gã có lãi. Nhưng, gã vẫn kiên trì làm tới cái thứ 6, khúc này lại một lần nữa khiến gã không giống bất cứ một ông chủ kinh doanh nightlife nào chỉ nhắm tới lợi nhuận. Chỉ đơn giản là gã thích cảm giác đứng trước hàng vạn người, giang hai tay ra và cảm nhận thứ âm nhạc EDM ma quái kia đang thiêu đốt ngàn trái tim ở dưới, cũng như đang xúc động chảy qua huyết thanh mình.
Vào cái đêm sinh nhật The Opera tròn 3 tuổi, khi anh chàng DJ/Producer người Hà Lan Steff Da Campo khiến khán giả của Nhà hát Opera vỡ oà với thứ âm nhạc mang âm hưởng của các bữa tiệc festival, thì Trần Nhân, lặng lẽ đứng một góc ngắm nhìn hàng trăm cánh tay đang giơ lên theo hình trái tim. Thực chất, gã cũng đang vỡ oà trong lồng ngực khi hiểu rằng, giữa cái không khí này, thì nightlife quả là mối lương duyên, là cái nghiệp mà Gã đã trân trọng lựa chọn, kể từ tháng 8 năm 2009…