Mỗi căn nhà thông qua bàn tay của kiến trúc sư, dường như đều muốn cất lên một thông điệp hay kể một câu chuyện nào đó. Tất cả những nhắn nhủ ấy được gửi gắm thông qua tên của ngôi nhà.
Nếu như cái tên “Nhà của Nắng” gợi liên tưởng về một không gian ấm áp có nắng vàng rực rỡ thì “Nhà của Gió” khiến bạn liên tưởng đến điều gì? Gió trời, gió biển hay gió tình yêu?
Câu chuyện về ngôi nhà có tên “Wind’s house” được bắt nguồn từ chính mối tình hết sức lãng mạn của hai anh chị chủ nhà. Hai anh chị yêu nhau từ cái thời còn là màu hồng của thanh xuân, cái thời cấp 3 đầy mơ mộng và đầy hoài bão. Nhưng rồi sau năm cuối cấp, anh phải theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống, để lại quê nhà những kỷ niệm đẹp và mối tình đầu dang dở.
Những ngày anh phải cư trú và học tập tại nơi cách cô gái hàng trăm km, hai người chỉ biết tâm sự, gửi gắm lời nhung nhớ qua những dòng tin nhắn, qua những cuộc gọi thâu đêm và nhờ những cơn gió gửi gắm những lời thì thầm đầy yêu thương, những nụ hôn khe khẽ… cùng với lời nhắn nhủ: “Hãy nói với em rằng hãy mơ giấc mơ ngọt ngào nhất, như vậy ta đã thấy vui rồi, Gió ơi!”.
Nhà của Gió là nơi kết thúc cho câu chuyện tình yêu đẹp
Rồi sau gần 10 năm chia xa, anh quyết định trở lại quê xưa, hai anh chị đã tìm về với nhau và quyết định cho nhau một tổ ấm, một mái nhà, một nơi chỉ có che chở và yêu thương hết mực. Câu chuyện tình đẹp ấy đã làm lay động trái tim của đội ngũ thiết kế… và “Nhà của Gió đã được ra đời, nơi kết thúc cho một chuyện tình yêu xa, nơi trái tim sẽ được che chở bởi trái tim, nơi có Gió dạo chơi, có Gió lắng nghe, có Gió học cách cảm thông, cả chia sẻ với mỗi người”.
Căn nhà có diện tích 125m2, tổng chi phí đầu tư hết 2 tỷ đồng. Bởi gió là nguồn cảm hứng cho thiết kế nhà nên bài toán đầu tiên đặt ra cho các kiến trúc sư là phải làm sao đảm bảo được gió lưu thông xuyên suốt. Để giải quyết bài toán này, các kiến trúc sư đã chia ngôi nhà thành 3 khối chức năng chính tách rời nhau, được ngăn cách bởi cầu thang và khoảng vườn để tạo ra được các khoảng trống đối lưu gió đến từng ngóc ngách của ngôi nhà.
Thiết kế nhà đảm bảo hệ thống gió luôn được xuyên suốt
Không gian vườn lớn nằm song song cùng khu vực làm việc và một không gian khác được bố trí ở sau nhà. Ở Miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng vào mùa hè luôn có nguồn gió Phơn (đây là nguồn gió khô và nóng), nên công trình thiết kế hồ cá Koi đặt trước hướng gió mang hơi nước để giảm độ nóng của nguồn gió này. Ngoài ra, ngôi nhà còn có các vị trí thông tầng được bố trí thêm những khoảng vườn nhỏ.
Ngoài yếu tố thẩm mỹ, các vị trí thông tầng này kết hợp với hệ thống cửa sẽ tạo thành một hệ thống thông gió, đối lưu không khí rất quan trọng cho ngôi nhà.
Không gian vườn vừa tạo khoảng xanh cho căn nhà vừa làm giảm độ nóng của gió phơn vào mùa hè
Cùng với sự bình lặng bên ngoài, bên trong ngôi nhà cũng được các kiến trúc sư sử dụng vật liệu mộc mạc gần gũi mang hơi hướng hoài cổ. Thêm vào đó, các cửa sổ lớn được bố trí ở cả phòng khách và khu bếp giúp tăng tiết diện lấy sáng tự nhiên và tăng tính gắn kết giữa không gian hoạt động bên trong với không gian thiên nhiên bên ngoài.
Không gian phòng khách với vách ngăn bằng tre vừa kín vừa hở mang tông trầm tạo sự ấm cúng, mộc mạc và gần gũi
Cửa sổ có kích thước lớn trong phòng khách và bếp có chức năng vừa lấy sáng vừa tăng cảm giác hòa vào thiên nhiên xung quanh nhà
Không gian ở tầng 2 là khu sinh hoạt chung với kệ sách lớn có tác dụng vừa trang trí, vừa làm cầu thang lên gác xép và phòng ngủ chính. Hai không gian này được ngăn cách bởi vách kính lớn giúp tạo ra các không gian rộng hơn và tăng sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình.
Thiết kế kệ sách hết sức ấn tượng: vừa là cầu thang vừa là vật trang trí
Cửa kính lớn tạo độ mở cho thiết kế nhà và giúp tăng tương tác giữa các thành viên
Không gian phòng ngủ vừa sang trọng vừa ấm cúng
Khu vực tầng 2 giữa không gian ở và khu dạy học được ngăn cách bởi không gian vườn giúp giảm tiếng ồn và tạo sự an yên cho không gian ở
Ánh sáng mặt trời cũng được đảm bảo phân bố hợp lí. Căn nhà luôn nhận đủ ánh sáng vào ban ngày mà không cần dùng tới đèn chiếu sáng nhờ các vị trí thông tầng và các lớp cửa bao che đóng mở chủ động. Do đó, ngôi nhà nhận được nguồn ánh sáng tự nhiên và không cần lạm dụng quá nhiều vào các nguồn năng lượng nhân tạo.
Bên cạnh gió, thiết kế nhà còn tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên để hạn chế nguồn năng lượng nhân tạo
Trong từng thiết kế nhà, các yếu tố tạo ra một không gian mở luôn được chú trọng và sử dụng linh hoạt như hệ thống thông tầng kết hợp cửa lớn, cửa mở, cửa kính…
Sự thay đổi về hiệu ứng ánh sáng, bóng đổ qua từng thời điểm trong ngày là những biểu đạt khác nhau của thị giác, cảm xúc
Từng chi tiết và vật liệu sử dụng trong Nhà của Gió đều được chăm sóc tỉ mỉ. Các hình ảnh xuất hiện nối tiếp nhau liên tục, ẩn hiện trong những vật dụng hoài cổ gợi lên cho người sử dụng cảm giác về một thời đã xa, những điều tưởng chừng đã không còn xuất hiện nhiều trong những căn nhà phố đương đại.
Mặt đứng ngôi nhà cũng là điểm khác biệt của công trình. Mái nhà được thiết kế vuốt cong gợi hình tượng những cơn gió cuộn mình cuốn đi rồi lại trở về. Các chi tiết vừa cong mềm mại như người con gái, vừa góc cạnh mạnh mẽ như người con trai nối tiếp hòa nguyện nhau như câu chuyện tình đẹp của gia chủ.
Tổng thể căn nhà là sự kết hợp hài hòa giữa những nét cong mềm mại và góc cạnh mạnh mẽ
Tổng thể công trình là sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, xen lẫn những không gian hoài niệm gần gũi với bao người. Bởi lẽ mỗi công trình kiến trúc là một câu chuyện, hãy để nó tự kể chính câu chuyện của mình.
Nguồn: Green Concept và Nhà của Gió